Hải Phòng: Tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh Dại ở động vật

Hải Phòng: Tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh Dại ở động vật

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng có Công điện 01/CĐ-CT về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại động vật trên địa bàn thành phố, đặc biệt là chó mèo thả rông.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 06/6/2022 về phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022 – 2030; Chủ tịch UBND các huyện, quận chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND xã, phường, thị trấn tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân; hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó mèo và các loại động vật khác có nguy cơ lây bệnh, nhất là việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó mèo nuôi; thực hiện tiêm và điều trị dự phòng bệnh Dại cho người khi bị động vật, đặc biệt là chó mèo cắn.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. (Ảnh cổng ttđt tp)

Hướng dẫn, đôn đốc, các tổ chức và cá nhân nuôi chó mèo thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; chấp hành quy định tiêm phòng bệnh Dại định kỳ, bổ sung hàng năm của cơ quan thú y, chính quyền địa phương.

Bố trí nguồn lực, kinh phí triển khai công tác phòng chống bệnh Dại, quản lý đàn chó mèo nuôi; khẩn trương tổ chức chỉ đạo triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó mèo nuôi năm 2024 trên địa bàn, đảm bảo đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn theo quy định… Tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó mèo; số lượng chó mèo nuôi ở từng khu dân cư, lập số theo dõi hộ nuôi chó mèo, số chó mèo nuôi trong từng hộ gia đình; thành lập Đội bắt chó thả rông, tăng cường tổ chức tuần tra, bắt giữ và xử lý chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị trên địa bàn quản lý theo quy định.

Công điện giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định; tổ chức triển khai giám sát bệnh Dại, thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất khi có dịch xảy ra. Thành lập các Đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bệnh Dại và quản lý chó/mèo nuôi.

Giao Sở Y tế tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh Dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư; theo hướng tiếp cận “Một sức khỏe”, có sự phối hợp chặt chẽ của ngành Thú y và Y tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng bệnh Dại, huyết thanh kháng Dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện, quận có ít nhất 01 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng bệnh Dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn, truyền thông hướng dẫn người bị chó mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện kế hoạch truyền thông học đường về công tác phòng chống bệnh Dại. Các cơ quan thông tin đại chúng thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại đối với sức khỏe cộng đồng; các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại, biện pháp phòng bệnh hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng chống bệnh Dại.

Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng và “cộng đồng chung tay phòng chống bệnh Dại”. Yêu cầu chủ vật nuôi chấp hành lịch tiêm vắc xin phòng bệnh Dại của cơ quan thú y và chính quyền địa phương; công khai địa chỉ các cơ sở y tế và hướng dẫn người bị chó mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được xử lý, ngăn ngừa tử vong do bệnh Dại; đặc biệt thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giám sát, phát hiện, thông báo cho chính quyền cơ sở, nhân viên thú y, Trạm y tế xã, phường, thị trấn các trường hợp chó mèo, động vật nghi mắc bệnh Dại để áp dụng các biện pháp xử lý, khống chế, ngăn chặn dịch lây lan../

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích