Đề xuất xây dựng một Nghị định về đổi mới sáng tạo
Thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 cho biết, năm 2023, dù vẫn duy trì thứ hạng trong top 60, Việt Nam đã giảm 4 bậc trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (StartupBlink), xếp thứ 58/100 so với thứ hạng 54/100 trong năm 2022. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng như cũ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như khu vực Đông Nam Á, lần lượt là 12 và 5.
Hiện nay, cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo từ khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình phong phú.
Tới nay, 60/63 tỉnh, thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án 844 tại địa phương; khoảng 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; 84 vườn ươm và 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên toàn quốc. Hiện đang có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa.
Trong năm vừa qua, nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, điển hình có thể kể đến sự xuất hiện của “Không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng – Seoul” tại Đà Nẵng, hay Trung tâm K-Startup trực thuộc Cơ quan hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (KOSME) tại Hà Nội…
Trước những ảnh hưởng tiêu cực từ bối cảnh nền kinh tế thế giới chung, Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại địa phương cũng như các ngành, lĩnh vực chuyên sâu.
Nổi bật như “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo đến năm 2030” từ năm 2022 đã bắt đầu được triển khai. Chính phủ đã tích cực đề xuất và thực hiện những dự án nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia như áp dụng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII); sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc thương mại hoá tài sản trí tuệ.
Các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, giao cho các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội (Đề án 844 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; Đề án 939 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; Đề án 1665 hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp…) được triển khai tích cực, có sự phối hợp, liên kết với nhau để hướng tới mục tiêu chung là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển bền vững, toàn diện.
Theo ông Phạm Dũng Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đến nay đã hình thành và bao gồm đầy đủ các thành phần quan trọng: Cá nhân/tổ chức khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ (cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh), công viên nghiên cứu, trường đại học, mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, cơ sở hỗ trợ nghiên cứu khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học, viện nghiên cứu… Tuy nhiên, hệ sinh thái hiện vẫn cần thúc đẩy hơn nữa việc kết nối chặt chẽ với khối doanh nghiệp, tập đoàn và khối giáo dục viện, trường.
Ảnh minh hoạ.
Đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo
Tại buổi họp, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, để xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ hiệu quả, việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong đó đặc biệt hướng tới làm rõ nội hàm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, ban hành các quy định về loại hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ cũng như hoạt động liên quan là ưu tiên cần làm về mặt chính sách.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) đề xuất rà soát, đánh giá kết quả Đề án 844 giai đoạn vừa qua để làm căn cứ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn, sửa đổi hoặc ban hành mới một Chương trình quốc gia/Đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn 2026-2035.
“Chúng ta cần đánh giá lại tổng thể trên khung của OECD và một số tổ chức quốc tế đã tư vấn cho Việt Nam, thông qua các trụ cột về vốn, tài chính, chính sách, thể chế… OECD cũng đặc biệt khuyến nghị khu vực tư nhân cần tham gia nhiều hơn thì mới thúc đẩy được hệ sinh thái”, ông Quất nói.
Do đó, thời gian tới cần có những chính sách thúc đẩy sự phối hợp trong khai thác, tối ưu hóa nguồn lực của các ngành, các cấp (gồm cả ngân sách nhà nước trung ương và địa phương, nguồn lực quốc tế, nguồn lực doanh nghiệp, nguồn lực xã hội) cùng tham gia xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Ông Quất cũng đề nghị các cơ quan, bộ, ngành tăng cường phối hợp triển khai các Đề án khởi nghiệp khác; ủng hộ và phối hợp với Bộ KH&CN đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. “Chúng ta cố gắng hoàn thiện hành lang pháp lý để có cơ chế tổng thể, cơ chế chung, tránh việc có một cơ chế đặc thù nhưng lại thiếu một cơ chế tổng thể về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo”, ông Quất nhấn mạnh.
Chia sẻ với các ý kiến, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh đánh giá, thời gian qua, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng, thành tựu KH&CN. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để đưa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sang trang mới.
Đồng thời chỉ ra một trong những hạn chế hiện nay đó là chưa có sự thống nhất, đầy đủ trong các quy định về định danh, phân định chức năng, nhiệm vụ cho các đối tượng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo.
Theo thống kê, có khoảng trên 30 thuật ngữ được sử dụng để nói về khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo và không phân biệt được giữa khởi nghiệp sáng tạo với đổi mới sáng tạo. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính hiện nay, thuật ngữ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo được sử dụng theo các cách hiểu khác nhau gây ra sự không chuẩn xác, lúng túng, không thống nhất, chồng chéo… trong thực thi các hoạt động chuyên môn, xây dựng chính sách hỗ trợ hướng đối tượng và trong công tác quản lý nhà nước.
“Đơn cử, chúng ta phải mượn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để gắn nội dung quản lý đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào đó. mặc dù mục đích của khởi nghiệp sáng tạo khác với doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Thứ trưởng Hoàng Minh lấy ví dụ.
Do đó, tới đây chúng ta cần phải làm rạch ròi, cần có quy định chính thức về khái niệm, định nghĩa của các hoạt động này để từ đó phân định chức năng, nhiệm vụ cho các đối tượng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo cũng như xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho phù hợp.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, là cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN nhận thấy cần có một khuôn khổ pháp lý để tạo sự thống nhất và đồng bộ trong cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động trong khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN chưa được ban hành. Vì vậy, Bộ KH&CN đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một Nghị định về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tháo gỡ những vướng mắc cũng như có chính sách đặc thù ưu đãi, nhất là cho các tổ chức lớn, nòng cốt.
Bảo Lâm