Làm thế nào để tránh nợ xấu khi vay tiêu dùng?
Vay tiêu dùng là gì?
Vay tiêu dùng là sản phẩm phổ biến của các ngân hàng hay tổ chức tài chính nhằm hỗ trợ khách hàng đang gặp khó khăn về tài chính. Khoản vay tiêu dùng có thể được sử dụng đa dạng mục đích như mua sắm đồ gia đụng, phương tiện đi lại, trả học phí hay phí khám bệnh, du lịch…
Khi vay tiêu dùng, hàng tháng người vay sẽ phải trả góp một khoản chi phí gồm tiền vay, tiền lãi và chi phí phát sinh (nếu có). Hiện nay, nhiều cửa hàng điện máy và trung tâm mua sắm có tích hợp hình thức thanh toán qua phương thức vay tiêu dùng.
Nợ xấu là gì?
Khi khách hàng ký kết hợp đồng tín dụng và thực hiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng thì phải có trách nhiệm thanh toán nợ vay đúng hạn. Trường hợp không thanh toán nợ vay đúng như thỏa thuận đã ký kết với tổ chức tín dụng sẽ dấn tới phát sinh nợ quá hạn.
Nợ xấu là khoản nợ quá hạn có số ngày quá hạn lớn hơn 90 ngày. Nếu bị liệt vào danh sách mắc nợ xấu, khách hàng sẽ gặp nhiều khó khăn khi đăng ký khoản vay tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng sau này.
Những lưu ý khi vay tiêu dùng để tránh nợ xấu
Để tránh rơi vào nợ xấu khi vay tiêu dùng, khách hàng cần chú ý một số vấn đề sau:
Nghiên cứu kỹ trước khi vay
Trước khi vay cần xác định rõ mục tiêu vay tiêu dùng, mua sắm đồ điện tử, trang trí nhà cửa hay sửa sang cửa hàng… Sau đó hãy so sánh các lựa chọn sản phẩm tài chính khác trên thị trường.
Hãy xem xét lãi suất, điều kiện vay, phí dịch vụ cũng như các chi phí khác để lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của bản thân. Lưu ý đảm bảo khoản tiền trả lãi mỗi tháng không vượt quá 50% thu nhập hàng tháng của bạn.
Trước khi quyết định vay, cần xác định khả năng trả nợ bằng cách trả lời các câu hỏi: Khoản vay nợ có thực sự cần thiết và hợp lý? Khoản trả góp tối thiểu hàng tháng bao nhiêu? Thu nhập hàng tháng có ổn định để thanh toán khoản nợ sau khi trừ tất cả chi phí sinh hoạt?
Lên kế hoạch trả nợ đúng hạn
Để đảm bảo lịch trả nợ đúng hạn, người vay cần lên danh sách chi tiết các khoản hiện có và sắp xếp thứ tự các khoản nợ, nên ưu tiên trả trước những khoản nợ có lãi suất cao. Hãy xây dựng một kế hoạch tài chính, xác định cần trích bao nhiêu trong tiền lương hàng tháng để trả nợ và cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết để đảm bảo thanh toán nợ đúng nợ.
Không vay tiêu dùng ở nhiều nơi
Khi vay tiêu dùng ở nhiều nơi, khách hàng phải quản lý nhiều khoản nợ với lãi suất cùng khoản chi phí khác nhau. Điều này có thể dẫn đến nhầm lẫn hoặc trễ hạn thanh toán.
Nếu không lập kế hoạch trả nợ cụ thể, vay tiêu dùng ở nhiều nơi có thể dẫn đến mất kiểm soát về tài chính cá nhân do mức trả nợ hàng tháng tăng lên.
Lựa chọn kênh vay vốn an toàn
Những kênh vay vốn như ngân hàng, tổ chức tín dụng đều là lựa chọn đảm bảo tính minh bạch và uy tín của nguồn vốn. Theo đó, khách hàng sẽ không gặp rủi ro về lừa đảo hoặc nợ xấu khi đăng ký vay ở ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng uy tín.
Không chia sẻ thông tin cá nhân và mã OTP cho bất kỳ ai
Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân và mã OTP cho bất kỳ ai để tránh tình trạng kẻ xấu lợi dụng thông tin khách hàng đi vay nợ, hay truy cập vào tài khoản ngân hàng, thực hiện giao dịch gian lận.
Nguồn: Báo lao động thủ đô