Gấp rút đào tạo nhân lực công nghệ bán dẫn

Gấp rút đào tạo nhân lực công nghệ bán dẫn
Ảnh minh họa

Đa số các chuyên gia kinh tế trên thế giới khi diễn thuyết tại các diễn đàn, hay thông qua các bài viết đều có chung nhận định, thời gian tới, quốc gia nào làm chủ được công nghệ, đặc biệt công nghiệp chất bán dẫn sẽ là “chìa khóa” đi tới thịnh cường. Đáng chú ý, tháng 9/2023 tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam – Hoa Kỳ đã chính thức ra Tuyên bố chung về nâng câp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó, nhấn mạnh đến việc Hoa Kỳ giúp đỡ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngày 25/3 vừa qua, tại Thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ nhất. Tại đây, theo nguồn tin của Bộ Ngoại giao, hai bên đã thống nhất làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được lãnh đạo hai nước thông qua, đặc biệt thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn…

Như chúng ta đều biết, Việt Nam là một trong số những quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới (loại đất để phát triển công nghiệp bán dẫn), đồng thời có kết cấu hạ tầng và đầy đủ các khu công nghệ cao để đón các tập đoàn hàng đầu về công nghệ bán dẫn ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Riêng Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng đủ sức “chứa” hàng chục “đại bàng” công nghệ lớn của Mỹ, các nước tiên tiến lớn trên thế giới đến “làm tổ”. Tuy nhiên, cái chúng ta đang rất thiếu chính là nguồn nhân lực. Trong đó, thiếu những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, công nghệ bán dẫn nói riêng.

Vì vậy, để tạo ra một trung tâm công nghiệp bán dẫn trong kỷ nguyên số hàng đầu khu vực nhằm thực hiện hóa khát vọng hùng cường của đất nước, nên chăng các bộ: Giáo dục và Đạo tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ… cần rà soát lại các cơ sở giáo dục hiện tại để “tìm ra” các cơ sở chất lượng cho các đối tác vào hợp tác chuyển giao công nghệ, mô hình giảng dạy nhằm tạo ra một cách nhanh nhất nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng này.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích