Cách nào ngăn chặn hàng giả trên các sàn thương mại điện tử?

1
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk phát hiện 02 hộ kinh doanh bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Nhức nhối vấn nạn hàng giả

Đánh giá chung về thực trạng hiện nay trong công tác phòng, chống và xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử tại Việt Nam, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thương mại điện tử, kinh doanh hàng hóa online hiện nay đã chi phối rất nhiều trong cuộc sống, đòi hỏi lực lượng chức năng phải kịp thời nắm bắt, có phương pháp kiểm soát phù hợp thực tế. Do đó, ngày 29/3/2023, Đề án đã được Chính phủ phê duyệt theo đệ trình của Bộ Công Thương.

Cũng theo ông Trần Hữu Linh, khoảng 2 năm trở lại đây, thương mại điện tử trở thành một trong những vấn đề lớn, tác động đến việc kinh doanh trực tiếp tại các cửa hàng, cửa hiệu.

Đơn cử như chợ Ninh Hiệp – nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của hàng giả, hàng vi phạm với khoảng 2.000 hộ kinh doanh, hoạt động buôn bán tại đây luôn tấp nập với lượng hàng hóa luân chuyển vô cùng lớn, đưa đi khắp nơi trên cả nước. Thế nhưng, hiện nay, chợ Ninh Hiệp rất đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa trả lại mặt bằng cho thuê và chuyển sang bán hàng online. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

“Nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số” – Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh dẫn chứng và cho biết, bên cạnh người bán-người mua, vô hình chung các công ty chuyển phát đã trở thành kênh vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu.

Theo ông Trần Hữu Linh, hiện nay, 99% các công ty chuyển phát giờ đây đang sống bằng vận chuyển, mua bán hàng hóa online. Chỉ 1% thư tín. Đặc biệt, gần đây, mạng xã hội tiktok bùng nổ mạnh mẽ. Người dân từ tận Hà Giang vẫn hàng ngày livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới, cho nên, các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Chị Vũ Thị Thương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: Lâu nay, mua hàng trên sàn thương mại điện tử đã trở thành thói quen của nhiều người dân bởi nhanh chóng, tiện lợi. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có thể mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

“Vừa qua, trong khi lướt mạng mua sắm, tôi có thấy một sản phẩm mỹ phẩm tôi thường xuyên sử dụng, bình thường sản phẩm này được bán với giá 500.000 đồng/ một sản phẩm nhưng trên “chợ mạng” chỉ được bán với giá hơn 100.000 đồng. Mặc dù nghi ngờ nhưng tôi vẫn đặt mua với hy vọng sản phẩm nằm trong chương trình khuyến mãi, giảm giá. Thế nhưng sau khi nhận hàng, tôi mới biết đây là hàng nhái…”, chị Thương chia sẻ.

Trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như chị Thương không phải hiếm gặp bởi hiện nay. Việc quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử cũng như qua các kênh bán hàng online gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới hàng giả, hàng nhái vẫn còn “đất sống”.

Thời gian qua, lực lượng chức năng, mà tiên phong là đội ngũ Quản lý thị trường cả nước, Ban Chỉ đạo 389 Trung ương và các tỉnh, Cảnh sát kinh tế…, luôn tích cực đấu tranh, ngăn chặn nhiều vụ việc lớn có vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.

Đơn cử như tại Hà Nội, mới đây, lực lượng chức năng đã kiểm tra kho hàng của chủ tài khoản Mailystyle.com ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội), phát hiện một lượng lớn sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đáng nói, tài khoản này có hàng triệu người theo dõi, có ngày “chốt” tới hàng nghìn đơn hàng.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) kiểm tra một kho hàng tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, phát hiện hơn 28.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, đồ gia dụng… không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Chủ hàng khai nhận, toàn bộ số hàng này được phân phối bán online… Theo Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong 3 năm (2020-2023), các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ gần 6.600 vụ lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…

Hay hồi đầu tháng 12/2023, lực lượng Quản lý thị trường đã theo dõi website phoxedien.com có chủ sở hữu là Công ty TNHH xe điện xe máy Vinh Phát có địa chỉ tại Quận 12, TP Hồ Chí Minh giới thiệu là nhà phân phối chính hãng của nhiều hãng xe: PEGA, KAZUKI, DK Bike, OSAKAR. Thẩm tra xác minh, lực lượng chức năng phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh của đơn vị này. Đồng thời, Cục Nghiệp vụ QLTT (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Cục QLTT các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang đồng loạt kiểm tra 10 chi nhánh thuộc chuỗi phoxedien.com. Sau 3 ngày kiểm tra, lực lượng tạm giữ trên 200 xe điện, xe máy các loại có dấu hiệu vi phạm để có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật.

Đây mới chỉ là 3 vụ việc điển hình gần nhất được lực lượng chức năng phát hiện trong số hàng trăm vụ hàng giả, hàng lậu trên môi trường mạng mà lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong năm 2023. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường – ông Trần Hữu Linh, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến các cơ sở chuyển dịch mạnh mẽ hình thức kinh doanh truyền thống sang online. Năm 2023, doanh thu thương mại điện tử ước đạt 20,5 USD. Hiện, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất trong Đông Nam Á với gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online khoảng 49,3 triệu người (tương đương 41% dân số).

Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá, bên cạnh những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, lực lượng Quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng trong 3 – 5 năm tới.

Cách nào ngăn chặn hàng giả trên thương mại điện tử

2
Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng chủ yếu được bán online.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), với việc TMĐT phát triển bùng nổ như hiện nay đã và đang tạo ra thách thức rất lớn cho lực lượng chức năng. Các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên TMĐT rất đa dạng và khó phát hiện do hình ảnh và thông tin sản phẩm sử dụng trên các sàn TMĐT là hàng thật; người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian hoặc có tính ẩn danh cao nên lực lượng chức năng rất khó kiểm tra, xử lý. Một thủ đoạn khác, người bán chỉ chạy 1 link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau của mạng xã hội Facebook, thì mỗi fanpage chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết nên cũng rất khó trong việc truy vết. Điều này khiến công tác xử lý càng khó khăn khi các đối tượng có phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhưng công cụ hỗ trợ về công nghệ cho các cán bộ thực thi vẫn còn rất thiếu và yếu. Người mua biết mua phải hàng giả nhưng không tố giác tội phạm; sự phối hợp cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, chống hàng giả trên thương mại điện tử là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Công Thương mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trên hết là của lực lượng Quản lý thị trường.

Do vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới Quản lý thị trường các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.

Mặt khác, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bà Vũ Thị Minh Tú – đại diện sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada cho biết: Lazada đã và đang thực hiện rất nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dựa trên 4 trụ cột chính: chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt, tập huấn cho nhà bán hàng, quản trị bằng công nghệ và hợp tác với các bên liên quan. Đặc biệt Nền tảng bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ của Lazada đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và phản hồi tích cực từ các thương hiệu và các bên liên quan.

Trong khi đó, đối với hàng hóa nhập khẩu từ biên giới vào nội địa, bà Phạm Như Hà – đại diện Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) đề xuất, cần có các quy định cụ thể về định mức miễn thuế và các trường hợp được miễn kiểm tra chuyên ngành để giám sát, từng bước ngăn chặn hàng giả, hàng lậu từ biên giới vào nội địa.

Bởi hiện nay, pháp luật hiện hành quy định: hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có giá trị hải quan trong từng đơn hàng từ 2 triệu trở xuống và trên 2 triệu đối với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành. Nhưng tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 96 triệu đồng Việt Nam/năm đối với mỗi tổ chức, cá nhân. Quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với việc miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Do vậy, bà Phạm Như Hà cho rằng, cần siết chặt hơn các quy định này bởi, chỉ cần từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, người tiêu dùng cũng có thể đặt hàng online từ nước ngoài về Việt Nam.

 Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích