Bình Thuận tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người
Bình Thuận tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người
Sở Y tế tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người.
Theo đó, các đơn vị tăng cường giám sát tại các cơ sở y tế, sự kiện tại cộng đồng các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm gia cầm lây sang người. Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để phối hợp, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm chẩn đoán xác định, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Song song đó, cơ quan thú y và chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan y tế giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch. Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện để triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao. Thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
Được biết, từ đầu năm 2023 đến hết tháng 1/2024, toàn thế giới có 8.850 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) do các chủng vi rút CGC A/H5 gây ra. Đặc biệt, năm 2023, Cambodia có 6 người bị nhiễm vi rút CGC A/H5N1, thì có 4 người tử vong. Từ đầu năm 2024 đến nay, diễn biến dịch bệnh CGC tại quốc gia này vẫn tiếp tục phức tạp, có 4 người nhiễm CGC A/H5N1 thì có 1 người tử vong, tại một số tỉnh biên giới giáp với Việt Nam.
Tại Việt Nam, số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương năm 2023, cả nước đã xuất hiện 20 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 17 huyện của 11 tỉnh, thành với 36.606 con gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy. Trong các tháng đầu năm 2024, các ổ dịch này xảy ra tại các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang và Long An, với hơn 6.600 con gia cầm mắc bệnh, chết và buộc tiêu hủy.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị