Bắc Ninh có 2 đô thị di sản
(Xây dựng) – Theo PGS.TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, tỉnh Bắc Ninh có 2 đô thị di sản nằm chuỗi đô thị di sản vùng Thủ đô gồm: Luy Lâu (thị xã Thuận Thành) và Vũ Ninh (thị xã Quế Võ) cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Sơ đồ tổ chức không gian Quy hoạch phân khu được lập trên trọn địa giới hành chính của 3 xã Phù Lãng – Châu Phong – Đức Long, thị xã Quế Võ. |
Đô thị di sản Luy Lâu
Chia sẻ về lịch sử cổ đại, PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết, lịch sử Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương cho đến Ngô Quyền, việc chọn đô thị có xu hướng theo trục kinh đô hóa – đô thị hóa hướng Đông – Tây. Từ Bắc Ninh đến Phong Châu (Bạch Hạc), qua Cổ Loa, Mê Linh, rồi quay lại Bắc Ninh và lại về Cổ Loa.
Trong đó, vị trí của vùng Bắc Ninh đóng vai trò rất quan trọng, có Kinh đô Cổ Loa thời An Dương Vương, Ngô Quyền và Luy Lâu. Có nhiều thời điểm, nơi đây được chọn để định đô và là một trung tâm kinh tế, xã hội lớn nhiều thời. Thông qua khai quật khảo cổ học, đây cũng là nơi tìm được mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn bằng đất nung duy nhất ở nước ta, chứng tỏ vào thời Đông Sơn đây là một trung tâm văn minh lớn, đồng thời khẳng định sức sống mạnh mẽ của nền văn hóa Đông Sơn.
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, quốc hiệu đầu tiên của nước ta là Xích Quỷ. Quốc hiệu này xuất hiện khi vua Kinh Dương Vương cai trị nước ta trong buổi đầu của lịch sử. Theo các nhà khoa học hiện nay, đây là quốc hiệu xuất hiện trong huyền sử. Theo từ điển Hán Việt, Xích Quỷ là ngôi sao sắc đỏ có màu sặc sỡ nhất trong “nhị thập bát tú” trên bầu trời.
Kinh Dương Vương là vị vua đầu tiên được ghi trong chính sử và truyền thuyết dân gian – ông tổ của người Việt và khu vực Dâu/Luy Lâu chính là nơi định đô của Kinh Dương Vương. Sau này, Kinh Dương Vương nhường ngôi cho con trai đầu là Lạc Long Quân (Sùng Lãm). Hiện nay, lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương tọa lạc tại làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, nằm trong cụm di tích Kinh Dương Vương (tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), có tổng diện tích 36ha, được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt từ năm 2012 (Ảnh TL). |
Theo sử sách ghi lại, Luy Lâu địa danh gắn với toà thành cổ – thành Luy Lâu, là nơi đầu tiên mà Phật Giáo từ Ấn Độ đã truyền bá sang ta trên đất quận Giao Chỉ thời thuộc Hán.
Vào thế kỷ thứ II sau Công Nguyên, những đoàn thuyền buôn của thương nhân Ấn Độ đầu tiên đã đến buôn bán tại Luy Lâu; đi theo họ còn có những tăng lữ Phật Giáo, để rồi con đường buôn cũng trở thành con đường truyền giáo. Đạo Phật theo con đường này vào Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định trung tâm Phật Giáo đầu tiên của nước ta là vùng Dâu với khu di tích khảo cổ học thành Luy Lâu, chùa Dâu và quần thể di tích thờ Tứ Pháp…
Minh chứng rõ hơn là Phật tích/chứng tích trong chùa Dâu; bộ ván in và cuốn “Cổ Châu Phật Bản Hạnh” được ấn hành, đã xác định nhiều chi tiết cho biết đây là đô thị trung tâm của những thế kỷ II, III.
Đặc biệt, thông qua các đợt khảo cổ và điền dã khảo cứu tại vùng đất Dâu – Luy Lâu những năm gần đây của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên ngành trong và ngoài nước, với kết quả là những phát hiện mới như: Khám phá và giải mã về cảnh quan đô thị cổ của trị sở Luy Lâu, kết cấu và niên đại của thành cổ Luy Lâu; tìm thấy những tấm bia đá cổ có niên đại 314 tại nghè Thanh Hoài xã Thanh Khương và tấm bia đá có niên đại 601 tại chùa Dàn (Chợ) xã Trí Quả. Các nhà chuyên môn xác định hai tấm bia được tìm thấy có niên đại cổ nhất, nhì Việt Nam đều thuộc vùng Dâu – Luy Lâu.
Một điểm nhấn quan trong trong điển tích lịch sử đó là, nơi đây còn là địa danh duy nhất của nước ta có một ngôi đền thờ 3 vị thuỷ tổ của người Việt là Kinh Dương Vương; Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đây cũng là điều đặc biệt riêng có trong bản sắc văn hoá lịch sử của tỉnh Bắc Ninh mà không nơi nào có được.
Vì thế, trong điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, đô thị di sản Luy Lâu tức thị xã Thuận Thành (ngày nay), hứa hẹn nhiều khả năng là khu du lịch văn hóa lịch sử về nguồn, khu tâm linh lớn và quan trọng nhất nước Việt Nam ta, với gần 5.000 năm lịch sử.
Đô thị di sản Vũ Ninh
Theo sử sách ghi lại, vào thế kỷ VI, Triệu Việt Vương dời kinh đô của nhà nước Vạn Xuân từ Long Biên về Vũ Ninh, nay là thị xã Quế Võ. Năm 1086 đến năm 1094: xây chùa Dạm. Thời 12 sứ quân, vùng đất thuộc châu Vũ Ninh do Dương Huy rồi Nguyễn Thủ Tiệp cai quản. Vào thời nhà Lý, địa phận huyện Quế Võ ngày nay thuộc châu Vũ Ninh. Thời thuộc Minh là huyện Vũ Ninh thuộc châu Vũ Ninh, phủ Bắc Giang.
Đến thời Lê Thánh Tông là các huyện Quế Dương và Võ Giàng, là hai trong năm huyện của phủ Từ Sơn, thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Đến đầu đời Lê Trung Hưng (năm 1533), vì kiêng húy của vua Lê Trang Tông (Lê Duy Ninh) nên đổi huyện Vũ Ninh thành Vũ Giang, sau lại kiêng húy của Uy Nam vương Trịnh Giang nên đọc chệch âm là Vũ Giàng hay Võ Giàng.
Năm 1962, huyện Quế Dương và Võ Giàng được sáp nhập thành huyện Quế Võ. Khi mới hợp nhất, huyện Quế Võ gồm có 24 xã: Bằng An, Bồng Lai, Cách Bi, Châu Phong, Chi Lăng, Cộng Lạc, Đại Phúc, Đại Xuân, Đức Long, Đức Thành, Hán Quảng, Kim Chân, Mộ Đạo, Nam Sơn, Ngọc Xá, Nhân Hòa, Phù Lãng, Phù Lương, Phượng Mao, Quốc Tuấn, Tân Dân, Vân Dương, Việt Hùng, Việt Thống. Riêng xã Võ Cường được tách về huyện Tiên Sơn, từ năm 1985 chuyển về trực thuộc thị xã Bắc Ninh (nay là phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh).
Trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính và sát nhập, huyện Quế Võ còn lại 21 xã: Bằng An, Bồng Lai, Cách Bi, Châu Phong, Chi Lăng, Đại Xuân, Đào Viên, Đức Long, Hán Quảng, Mộ Đạo, Ngọc Xá, Nhân Hòa, Phù Lãng, Phù Lương, Phương Liễu, Phượng Mao, Quế Tân, Việt Hùng, Việt Thống, Yên Giả và thị trấn Phố Mới như hiện nay. Cũng như Luy Lâu, Vũ Ninh thị xã Quế Võ ngày nay, là một trong các đô thị di sản thuộc vùng Thủ đô.
Bảo tồn và phát huy giá trị đô thị di sản
Theo phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7km2.
Trong vùng Thủ đô, tỉnh Bắc Ninh được phân định phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, du lịch văn hóa, công nghiệp, tập trung vào kinh tế tri thức…, trong đó, thành phố Bắc Ninh được quy hoạch là trung tâm cấp vùng về thương mại, du lịch văn hóa – lịch sử của vùng Thủ đô Hà Nội.
Bởi vậy, theo đánh giá PGS.TS Lưu Đức Hải, các di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống. Đặc biệt là đô thị di sản Luy Lâu và Vũ Ninh, đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh Bắc Ninh, nhất là về phát triển du lịch văn hóa.
PGS.TS Lưu Đức Hải cũng cho rằng, trong quy hoạch vùng Thủ đô, ngoài kinh thành Thăng Long – công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành quần thể di tích lịch sử quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, thì cần có sự kết hợp với 5 đô thị di sản là: Phong Châu (Bạch Hạc), Cổ Loa (huyện Đông Anh), Mê Linh (huyện Mê Linh), Luy Lâu (thị xã Thuận Thành) và Vũ Ninh (thị xã Quế Võ) để trở thành một chuỗi đô thị – cố đô, trục đô thị hóa lịch sử, là điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch đô thị mang giá trị về văn hóa lịch sử, di sản lâu dài, bền vững của quốc gia.
Nguồn: Báo xây dựng