Cuộc đua bảo vệ bề mặt Mặt Trăng trước hoạt động khai khoáng, thí nghiệm
Cuộc đua bảo vệ bề mặt Mặt Trăng trước hoạt động khai khoáng, thí nghiệm
Tiềm năng dồi dào của Mặt Trăng đã trở thành “mật ngọt” với các cơ quan vũ trụ và công ty tư nhân. Tuy nhiên, chỉ có một vài khu vực trên bề mặt Mặt Trăng phù hợp để thực hiện thí nghiệm khoa học
Một số địa điểm trên Mặt Trăng đủ điều kiện để xây dựng căn cứ và công trình sẽ được bảo vệ khỏi bức xạ vũ trụ nhờ các tảng đá nhô ra. Hố sâu tại các cực của Mặt Trăng còn chứa băng đá – nguồn nước, oxy và hydro quý giá. Một số hố khác lại nằm gần sống núi cao, có thể đón được ánh sáng từ Mặt Trời quanh năm nên có vai trò quan trọng trong khai thác năng lượng Mặt Trời. Đáng chú ý, Mặt Trăng còn có nhiều nguồn tài nguyên giá trị khác như titani, nhôm, heli-3, kim loại quý và đất hiếm.
Tiềm năng dồi dào của Mặt Trăng đã trở thành “mật ngọt” với các cơ quan vũ trụ và công ty tư nhân. Họ lên kế hoạch xây căn cứ trên Mặt Trăng, thực hiện thí nghiệm khoa học và khai khoáng. Mặt Trăng có diện tích bề mặt gấp 3 lần châu Nam Cực, do đó tình trạng quá tải không phải mối lo chính. Tuy nhiên, chỉ có một vài khu vực trên bề mặt Mặt Trăng phù hợp để thực hiện thí nghiệm khoa học nên dự kiến thu hút rất nhiều sứ mệnh và các hoạt động khác.
Các nhà nghiên cứu muốn bảo vệ những địa điểm vô cùng quan trọng về khoa học (SESI) trên bề mặt Mặt Trăng. Nhiệm vụ trước mắt là phân loại các địa điểm nào cần hình thức bảo vệ nào. Nhà khoa học Alanna Krolikowski tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri (Mỹ) đánh giá: “Các nhà khoa học cần cân nhắc kỹ về thực tế rằng tài sản phục vụ khoa học đang gặp rủi ro và cần chủ động phân loại chúng vào mục đáng bảo vệ”.
Bà Alanna Krolikowski là đồng tác giả của nghiên cứu về các SESI được học viện khoa học Royal Society đăng ngày 25/3. Nghiên cứu nhấn mạnh cần có phương pháp trên nhiều phương diện để bảo vệ SESI. Bên cạnh đó, chính sách về không gian của các chính phủ cần có phần bảo vệ SESI. Đây là điều gây áp lực nhất với các quốc gia dự kiến thực hiện sứ mệnh trên Mặt Trăng.
Theo báo cáo, đang có hai nỗ lực quốc tế lớn để thiết lập quy định đối với các hoạt động trên Mặt Trăng, nhưng việc bảo vệ SESI chưa được chú ý. Thứ nhất là Hiệp định Artemis giữa Mỹ và các quốc gia đối tác trong chương trình khám phá Mặt Trăng Artemis. Theo thỏa thuận, có các vùng an toàn cụ thể quanh thiết bị được lắp đặt. Tuy nhiên, Hiệp định Artemis lại cho phép các công ty tư nhân khai thác trên Mặt Trăng vì lợi nhuận.
Thứ hai là nỗ lực quản lý Mặt Trăng của Ủy ban Liên hợp quốc về việc sử dụng hòa bình không gian ngoài khí quyển. Nhóm làm việc mới của ủy ban này đang cân nhắc các quy định về khai thác tài nguyên thiên nhiên trên Mặt Trăng và có kỳ vọng rằng họ sẽ chú ý đến SESI.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị