Diễn đàn về khí methane 2024: Tiếp cận toàn cầu giảm thiểu khí methane

Diễn đàn về khí methane 2024: Tiếp cận toàn cầu giảm thiểu khí methane

Việc cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải methane liên quan đến lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch có thể ngăn chặn sự nóng lên tới 0,1 độ C vào giữa thế kỷ này.

Diễn đàn về khí methane toàn cầu (GMF) 2024 vừa diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) quy tụ các quan chức cấp cao và lãnh đạo các tập đoàn tới để thảo luận quá trình thúc đẩy việc giảm thiểu khí methane, như cam kết được hơn 100 nước, trong đó có Việt Nam, đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021.

Theo giới khoa học, khí methane là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra biến đổi khí hậu sau CO2 dù có thời gian tồn tại trong bầu khí quyển ngắn hơn so với các loại khí khác.

Một nghiên cứu do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thực hiện cho thấy khí methane gây hại cho môi trường nhiều gấp 33 lần so với CO2 trong hơn 100 năm qua và là tác nhân hàng đầu khiến toàn cầu ấm lên.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính việc cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải methane liên quan đến lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch có thể ngăn chặn sự nóng lên tới 0,1 độ C vào giữa thế kỷ này.

Giám đốc Điều hành IEA, ông Fatih Birol, gọi đây là “một trong những lựa chọn tốt nhất và hợp lý nhất” để giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu. IEA cũng cho rằng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch có thể tránh được khoảng 40% lượng khí thải methane mà không phải trả chi phí ròng.

Hiện ngành năng lượng, như khai thác than, dầu và khí đốt, là nguồn khí methane lớn thứ hai do con người gây ra, chủ yếu do rò rỉ từ đường ống dẫn khí đốt và cơ sở hạ tầng năng lượng khác hoặc cố ý thải ra trong quá trình bảo trì.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT)

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature mới đây cho thấy các dự án dầu khí ở 6 khu vực sản xuất lớn của Mỹ đang thải ra lượng khí methane cao gấp 3 lần so với ước tính, gây thiệt hại trị giá 1 tỷ USD.

Giám đốc chương trình năng lượng tại Hội đồng Tư vấn khoa học Học viện châu Âu (EASAC), ông William Gillett nhận định để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, điều quan trọng là các nước khai thác và cung cấp năng lượng phải tham gia sáng kiến về xử lý khí methane.

Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) thông báo methane là một trong những tiêu chí chính mà EU sẽ sử dụng trong tương lai để lựa chọn nơi mua dầu, khí đốt và than đá, đồng thời thúc giục các nhà nhập khẩu lớn khác trên thế giới làm điều tương tự.

Theo bà Alessia Clocchiatti, trưởng nhóm về giai đoạn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và khí methane quốc tế tại châu Âu, tháng 11/2023, EU đã đạt được thỏa thuận nhằm đặt ra giới hạn phát thải khí methane đối với hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ năm 2030, gây áp lực buộc các nhà cung cấp quốc tế phải kiểm soát rò rỉ.

Bà Clocchiatti cho biết thêm rằng với chính sách mới, EU sẽ tạo ra “hồ sơ hiệu suất khí methane” theo quốc gia và công ty và những nước thực hiện hành động giảm lượng khí thải sẽ nhận được “kênh ưu tiên.”

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách năng lượng bền vững tại Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc (UNECE) Dario Liguti kêu gọi các khoản đầu tư để xử lý vấn đề thất thoát khí methane từ các mỏ khai thác trên thế giới.

Ông cho rằng hiện có 75% lượng khí thải methane có thể được ngăn chặn mà không mất nhiều chi phí hoặc ít tốn kém.

Bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho rằng cắt giảm khí methane là đòn bẩy mạnh nhất mà chúng ta có để ngăn chặn biến đổi khí hậu trong 25 năm tới và góp phần quan trọng vào những nỗ lực cần thiết để giảm thiểu lượng khí carbon dioxide.

Bên cạnh đó, theo ước tính, việc cắt giảm 45% lượng khí thải methane có thể ngăn chặn 260 nghìn ca tử vong sớm, 775.000 ca nhập viện liên quan đến bệnh hen suyễn và 25 triệu tấn hoa màu thiệt hại hằng năm.

Tuy vậy, để làm được như vậy, cần có sự hợp tác quốc tế trên cơ sở cách tiếp cận toàn cầu để thống nhất tư duy và hành động chung. Đó là động lực trong hành trình giảm thiểu khí methane toàn cầu.

Tại COP26, Việt Nam, cùng hơn 100 quốc gia đã đưa ra cam kết đến năm 2030, giảm 30 % lượng phát thải khí thải methane từ các hoạt động của con người trong tất cả các lĩnh vực, so với năm 2020.

Ngày 5/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030 với mục tiêu giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí methane vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích