Yên Bái tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững
Yên Bái tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã dần hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã dần hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, sản xuất gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch quảng bá sản phẩm nông nghiệp.
Tăng giá trị sản phẩm cho người dân
Đáp ứng yêu cầu đặt ra về một nền nông nghiệp xanh, bền vững, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, giảm ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã chú trọng tuyên truyền, vận động và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh.
Huyện Yên Bình là một trong những địa phương có thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh. Toàn huyện có trên 20.000ha mặt nước hồ Thác Bà, tận dụng diện tích mặt nước hồ lớn, lưu lượng dòng chảy lưu thông liên tục, Hợp tác xã (HTX) thủy sản Hoàng Kim (xã Hán Đà, huyện Yên Bình) đã đầu tư khoảng 300 lồng cá với các giống cá lăng, diêu hồng… Bằng hình thức nuôi cá lồng trên hồ tự nhiên, HTX đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong chăn nuôi, tận dụng được nguồn thức ăn, nguồn nước sạch nên cá ít bị nhiễm bệnh.
Để bảo vệ an toàn sức khỏe người tiêu dùng, HTX đã áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn, sử dụng các phương pháp phòng bệnh sinh học nên chất lượng cá được đảm bảo, đầu ra ổn định.
Ông Nguyễn Quyết – Phó Giám đốc HTX Thủy sản Hoàng Kim cho biết: “Đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về sức khỏe, HTX chúng tôi hướng đến mô hình chăn nuôi và sản xuất sản phẩm chăn nuôi theo hướng sạch, an toàn… Đối với các phụ phẩm sau khi chế biến, HTX đã tận dụng để sản xuất thức ăn cho cá, vừa tiết kiệm được chi phí mua thức ăn, vừa hạn chế chất thải ra môi trường”.
Tại huyện Trấn Yên, đã hình thành các vùng trồng quế hữu cơ, người dân đã dần quen các biện pháp, kỹ thuật canh tác vừa bảo vệ môi trường và vừa bảo vệ sức khỏe con người.
Ông Phạm Văn Hiếu – Thôn 6, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên chia sẻ: “Những năm gần đây, được cán bộ huyện và xã tuyên truyền, gia đình đã triển khai trồng cây quế hữu cơ. Việc này đòi hỏi phải áp dụng nghiêm ngặt, cẩn thận quy trình sản xuất như: xác định mật độ cây, duy trì tầng thảm thực vật tạo độ tơi xốp cho đất để cây phát triển, lựa chọn phân bón và thuốc trừ sâu sinh học phù hợp cho từng độ tuổi của cây. Nhờ đó, chất lượng cây quế được nâng lên và giá thành rất ổn định. Cây quế được giá, người nông dân chúng tôi rất yên tâm”.
Hiện nay, tại tỉnh Yên Bái, các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh không chỉ triển khai ở những vùng sản xuất quy mô tập trung, mang tính sản xuất hàng hóa mà đã lan tỏa đến cả những hộ gia đình có quy mô vừa và nhỏ.
Trong đó, hình thức sản xuất xanh được biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau, mức độ khác nhau như tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, sử dụng men vi sinh tạo ra các loại phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học; áp dụng các phương pháp canh tác tự nhiên; canh tác đa tầng trên cùng một đơn vị diện tích như: Trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nuôi ốc dưới ruộng lúa… Mỗi hình thức đều mang lại những hiệu quả thiết thực cho người sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường đất, nước, không khí mà vẫn tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành có thể cao hơn so với những sản phẩm khác cùng loại trên thị trường.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình
Hiện toàn tỉnh Yên Bái có gần 50 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ chủ yếu là các loại cây như chè, quế hữu cơ. Ngoài ra, còn có các mô hình trồng rau trong nhà lưới; mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình nông nghiệp kết hợp trồng trọt với nuôi trồng thủy sản; mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP…
Từ nông nghiệp xanh và áp dụng các phương pháp canh tác VietGAP, hữu cơ đã tạo ra những sản phẩm sạch. Sạch từ nguyên liệu đến quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm. Nhờ đó, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn, tăng thu nhập cho người nông dân.
Để tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh.
Ông Nguyễn Đức Điển – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho rằng: Hiện nay khái niệm nông nghiệp xanh đang được nhắc đến khá nhiều, trong đó, sản xuất xanh đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển nông nghiệp xanh. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân, các cấp, các ngành về sản xuất nông nghiệp xanh cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để từ đó thay đổi tư duy, phương thức, mục tiêu sản xuất.
“Trong quá trình sản xuất xanh, chúng tôi cho rằng điều đầu tiên phải đảm bảo yếu tố về môi trường, muốn đảm bảo về môi trường thì tất cả các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp phải được áp dụng một cách đúng đắn, triệt để, nhất là khi chúng ta sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất. Đồng thời, sản xuất xanh phải tạo thành vùng hàng hóa và tạo ra các sản phẩm được chứng nhận chất lượng, khi đó, sản phẩm sẽ mang lại giá trị cao”, ông Nguyễn Đức Điển nói.
Từ quá trình sản xuất xanh tạo sản phẩm sạch, gắn với lợi ích kinh tế, người sản xuất đã thực sự quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Đi theo con đường nông nghiệp xanh là hướng đi các cơ sở sản xuất tạo ra lợi thế cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Điều này vừa góp phần hình thành nên vùng sản xuất bền vững vừa nâng cao được giá trị cho sản phẩm.
Hướng đi này đang tạo ra những giải pháp động lực để các địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, góp phần khẳng định vai trò của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trước yêu cầu phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị