EU không đạt thỏa thuận về việc thông qua Luật về phục hồi thiên nhiên
EU không đạt thỏa thuận về việc thông qua Luật về phục hồi thiên nhiên
27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) không thể đạt được thỏa thuận về việc thông qua một văn bản pháp luật có tầm quan trọng đối với hệ sinh thái của lục địa, đó là Luật về phục hồi thiên nhiên.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Môi trường châu Âu hôm 25/3 ở Brussels, các quốc gia đã không thống nhất để đi đến phê chuẩn văn bản pháp luật này, do vấp phải sự phản đối của Hungary.
Văn bản này đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua vào tháng 2 sau các cuộc đàm phán kéo dài, nhưng hiện nay đang bế tắc.
Bộ trưởng Môi trường Hungary, Aniko Raisz đánh giá ngành nông nghiệp là một ngành rất quan trọng, không chỉ ở Hungary mà còn trên khắp châu Âu. Bà Raisz cho biết Hungary không phản đối việc bảo vệ thiên nhiên nhưng các mục tiêu về môi trường phải thực tế và tính đến các lĩnh vực liên quan.
Theo Bộ trưởng Khí hậu Hà Lan, Rob Jetten, các biện pháp môi trường đang được xem xét chặt chẽ hơn từ góc độ chính trị khi gần tới cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Đức, Steffi Lemke kêu gọi các quốc gia thành viên đạt được tiến bộ về luật này và khẳng định: “Chúng tôi không thể bỏ cuộc.”
Về phần mình, Bộ trưởng Khí hậu Tây Ban Nha, Teresa Ribera, tuyên bố việc giảm nỗ lực trong cuộc chiến chống lại sự suy giảm nghiêm trọng của tự nhiên và biến đổi khí hậu sẽ là “vô cùng thiếu trách nhiệm.”
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Chính phủ Vùng thủ đô Brussels, phụ trách Biến đổi khí hậu, Môi trường, Năng lượng và Dân chủ có sự tham gia của Bỉ, Alain Maron khẳng định việc hoàn thành văn bản pháp luật này vẫn là ưu tiên của Bỉ trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU.
Quan chức này nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Chúng tôi hy vọng sẽ thông qua văn bản này vào một thời điểm khác, càng sớm càng tốt.”
Luật bảo vệ thiên nhiên là một trong những chính sách môi trường quan trọng nhất của EU, yêu cầu các quốc gia hành động để khôi phục thiên nhiên cho 1/5 diện tích đất và biển của họ vào năm 2030. Mục tiêu là phục hồi 81% môi trường sống tự nhiên ở châu Âu được coi là trong tình trạng kém.
Tuy nhiên, chính sách này đã vấp phải sự phản đối của một số chính phủ và nghị sỹ, những người lo ngại nó sẽ áp đặt các quy định hạn chế đối với nông dân hoặc xung đột với các lĩnh vực khác.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị