Thái Nguyên những thế mạnh trong phát triển kinh tế du lịch
(Xây dựng) – Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, tiếp giáp vùng đồng bằng sông Hồng nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội và là điểm kết nối giữa 3 vùng. Tiếp giáp với 6 tỉnh: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và thủ đô Hà Nội. Từ Thái Nguyên đến sân bay Nội Bài khoảng 50km; Đến trung tâm Hà Nội khoảng 70km, cảng Hải Phòng 200km. Là giao điểm của các trục giao thông Quốc gia và vùng, liên kết trực tiếp với nhiều tỉnh thành phố; Quốc lộ 3, Quốc lộ 3C, Quốc lộ 37, Quốc lộ 17, Quốc lộ 1B, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Hồ Núi Cốc một di sản văn hóa vô giá của Thái Nguyên đang dần được đưa vào khai thác du lịch. |
Cũng vì những điều kiện thuận lợi đó mà Thái Nguyên được xác định là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp lớn nhất của vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô; Là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa-xã hội giữa vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du miền núi phía Bắc. Là một đầu mối giao thông quan trọng ở miền bắc Việt Nam, có vị trí chiến lược về An ninh Quốc phòng. Trước năm 1954, Thái Nguyên từng là “Thủ đô Kháng chiến”, là “lá chắn” bảo vệ Thủ đô Hà Nội.
Với diện tích 352.196ha, dân số theo thống kê năm 2020 là 1.307.789 người và những điều kiện tự nhiên sẵn có, những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, Thái nguyên đã đạt được những kết quả đáng kể trong phát triển Kinh tế, Văn hóa – Xã hội. Thái Nguyên nằm trong top 15 tỉnh, thành phố có chỉ số cạnh tranh tốt nhất cả nước (chỉ số PCI năm 2020 sếp thứ 11/63) xếp hạng hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI Thái Nguyên xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 36 bậc so với năm 2019). Thời gian gần đây Thái Nguyên được biết đến là một trong những điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư, nhất là những dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại Thái Nguyên có gần 170 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên đến 8,7 tỷ USD. Toàn tỉnh hiện có trên 100 doanh nghiệp lớn và hàng ngàn người lao động, chuyên gia nước ngoài đang làm việc.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của Thái Nguyên 2021-2030, toàn tỉnh được phân ra thành 4 khu vực địa lý cảnh quan là: Khu trung tâm; Khu hỗn hợp; Khu sinh thái; Khu du lịch. Mỗi khu sử dụng diện tích đất đai hợp lý và được bố trí các hình thái sản xuất kinh doanh phù hợp.
Theo đó quy hoạch phát triển đô thị thời kỳ 2021-2030 tỉnh Thái Nguyên có hệ thống các trung tâm gồm 19 đô thị trong đó có 01 đô thị loại I; 02 đô thị loại II, 09 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V ; Tỷ lệ dân số đô thị hóa là 45% dân số.
Với hệ thống gồm 8 Khu công nghiệp có nhu cầu đến 3500ha đất sử dụng cho hàng vạn lao động các ngành nghề và hàng ngàn chuyên gia nước ngoài. Đây là một yếu tố tác động lớn đến nhu cầu kinh doanh bất động sản và phục vụ du lịch. Trong tiềm năng vốn có về du lịch và quy hoạch tổng thể được đặt ra, Thái Nguyên tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng các khu du lịch như: Hồ Núi Cốc diện tích 1200ha; Quần thể di tích cách mạng ATK Định Hóa (khu di tích Quốc gia đặc biệt) khoảng hơn 7500ha. Các Khu bảo tồn thiên nhiên gồm Thần Sa, Phượng Hoàng khoảng hơn 19,900ha; Vườn Quốc gia Đông Tam Đảo với hơn 8700ha; Rừng Quốc gia Võ Nhai; Trung tâm dịch vụ du lịch Thái Nguyên… Như vậy xét nhu cầu du lịch của dân tại chỗ, lợi thế của danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… Thái Nguyên hoàn toàn có lợi thế về phát triển kinh tế du lịch theo phương án phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030.
Nói về phát triển du lịch, để đảm bảo phát triển du lịch bền vững thì việc tuân thủ pháp luật về đất đai được đặt lên hàng đầu khi nghiên cứu quy hoạch tổng thể của tỉnh. Vấn đề phát triển du lịch xanh là nhu cầu, là xu thế phát triển bền vững của các Quốc gia tiên tiến trên thế giới. Để khu du lịch được phát triển bền vững ngoài yếu tố bảo tồn tự nhiên đồng thời cũng phải đa dạng hình thức du lịch, dịch vụ phục vụ, trong mỗi khu du lịch ngoài việc vui chơi, ăn ở, đi lại, còn có thể kết hợp thêm sân tập thể thao, sân tập golf, sân golf… để thu hút khách du lịch.
Tất nhiên trong quy hoạch tổng thể chưa thể tính toán hết cho từng khu hay tất cả các khu du lịch như có bao nhiêu bể bơi, bao nhiêu khách sạn, sân golf… mà có đặt ra vấn đề này cũng là không chính xác và quá vội. Việc này để dành cho các nhà đầu tư khi có nhu cầu. Chỉ có họ mới biết phải làm gì khi bỏ tiền túi của mình để đầu tư một khu du lịch phát triển bền vững và có hiệu quả. Tuy nhiên ở mức độ cụ thể của mỗi dự án thì đều phải tuân thủ pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và các pháp luật có liên quan.
Nguồn: Báo xây dựng