Tái thiết đô thị Biên Hoà: Giảm áp lực quá tải của đô thị nội đô
(Xây dựng) – Giãn dân, hình thành đô thị có biểu trưng, có không gian xanh, các công trình tiện ích công cộng và khai thác hiệu quả cảnh quan, nâng cấp hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… là những mục tiêu trong tái thiết đô thị tại Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045.
Thành phố Biên Hoà cần giảm áp lực quá tải của đô thị nội đô. |
Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh và có lịch sử phát triển lâu đời. Hiện nay, với quy mô dân số hơn 1,2 triệu người, Biên Hòa cũng là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước. Là đô thị có sự phát triển sớm về công nghiệp, Biên Hòa nhiều năm qua đã trở thành địa chỉ “hút” dân cư, đặc biệt là lực lượng lao động nhập cư tới sinh sống, làm ăn. Điều này đã góp thêm nguồn lực để thành phố Biên Hòa có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với đó, đô thị Biên Hòa phải chịu sức ép rất lớn đối với công tác quản lý cũng như phát triển đô thị.
Trong dự thảo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung của thành phố Biên Hoà đến năm 2045, dự kiến đến năm 2030, thành phố Biên Hoà có quy mô dân số từ 1,5-1,6 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 20.000 -21.000ha, trong đó, đất dân dụng khoảng 11.300-12.800ha. Đến năm 2045, dân số đạt từ 1,9-2 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 22.000 -23.000ha (đất dân dụng khoảng 13.300-15.000ha).
Thành phố Biên Hoà đề xuất phương án giãn dân: Tại các khu vực tập trung đông dân cư thuộc các phường trung tâm thành phố, thực hiện dãn dân nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và cải thiện đời sống dân cư các khu vực: Đối với khu vực dãn dân sẽ điều chỉnh giảm sử dụng đất ở để quy hoạch các dự án công trình phục vụ công cộng như: Công viên, công trình văn hóa, sân thể dục thể thao, bãi đỗ xe, không gian công cộng…(khoảng 3000ha).
Dân cư trong khu vực dãn dân được bố trí tại khu vực dự án khu đô thị mới tại các phường: Hoá An, Bình Tân, An Hòa, Hiệp Hòa, Tân Phong… Quy hoạch thêm các tuyến giao thông kết nối phía Bắc và phía Nam thành phố nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các khu dân cư.
Đối với Khu vực nội thành lịch sử: Khu vực nội thành được giới hạn bởi 13 phường gồm: phía Bắc và Đông giáp sân bay Biên Hòa, phía Đông giáp sông Đồng Nai, phía Tây…Đây là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của gia tăng dân số cơ học. Một loạt các vấn đề trong quy hoạch chung Biên Hòa cần phải giải quyết nhằm mục đích cải thiện điều kiện về hạ tầng và đất đai cho khu vực này.
Với mục tiêu và tầm nhìn giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếp tục xây dựng đô thị lõi trung tâm là đô thị hành chính, dịch vụ, văn hóa và lịch sử. Đến năm 2030, dân số toàn thành phố đạt 1,5 triệu người. Trong đó khu vực nội đô lịch sử gồm: 13 phường là An Bình, Bình Đa Hòa Bình, Quang Vinh, Quyết Thắng, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tân Mai, Tân Tiến, Thanh Bình, Thống Nhất, Trung Dũng, Tân Hiệp; đến năm 2030 giảm và kiểm soát quy mô dân số tối đa 300.000 người. Xây dựng hệ thống giao thông hiện đại và thân thiện với môi trường.
Tiếp đó, thành phố Đồng Nai cần xây dựng hoàn chỉnh các tuyến giao thông chính đô thị, một số nút giao thông giảm ách tắc nội thành đồng thời với chỉnh trang các tuyến phố chính. Xây dựng các không gian đường phố, xây dựng các đại lộ (tập trung chủ yếu vào các tuyến đường chính như: Nguyễn Ái Quốc, đường ven sông, đường tỉnh 771…). Tái thiết sắp xếp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất các khu vực dân cư phát triển tự phát khu vực các phường Trảng Dài, Hố Nai, Long Bình.
Là khu vực xây dựng hiện hữu và phát triển mới chủ yếu “giảm áp lực” quá tải của đô thị nội đô lịch sử, thành phố Đồng Nai xây dựng tiếp tục phát triển mới các trung tâm đô thị và các khu đô thị; Khu vực hành chính tập trung phải đảm bảo gắn kết với trung tâm chính tại khu vực Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và khu vực tại phường Thống Nhất; Khu vực nội thành lịch sử từ phía Tây của sông Đồng Nai đến đoạn từ đường QL1K (Nguyễn Ái Quốc) đến đường QL 1A (Xa lộ Hà Nội) là khu vực hạn chế phát triển. Cải tạo, xây dựng, tổ chức sắp xếp lại các chức năng sử dụng đất, để gìn giữ phát huy các giá trị đô thị lịch sử, phát triển, bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Xây dựng hoàn chỉnh khu vực Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nơi đặt các trụ sở hành chính gắn với các cơ quan sở ngành, chính trị, văn hóa, thương mại của tỉnh Đồng Nai. Quy hoạch và xây dựng tập trung cơ quan hành chính thành phố Biên Hòa nơi đặt trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc thành phố tại khu vực phường Thống Nhất, gắn với các cơ quan, ban, ngành của Biên Hòa.
Để thực hiện mục tiêu giữ gìn bản sắc văn hóa thành phố Biên Hoà cần thiết phải tìm ra các giải pháp khả thi để tăng mật độ không gian xanh. |
Xác lập hệ thống mặt nước gắn với không gian công viên cây xanh, cảnh quan tự nhiên, kết hợp tiêu thoát nước cho nội thành lịch sử. Ưu tiên khai thác quỹ đất dọc sông Cái, sông Đồng Nai, suối Săn Máu, hồ Công viên Biên Hùng… để hình thành hệ thống cây xanh mặt nước, công viên, vườn hoa và các không gian mở. Khai thác quỹ đất dọc suối Săn Máu để hình thành hệ thống công viên cây xanh mặt nước liên tục kết hợp hệ sinh thái, cây xanh, thảm thực vật, hệ thống thoát nước và tạo thành chuỗi các công viên cây xanh hoàn chỉnh kết nối với hệ thống cây xanh sinh thái thành phố.
Bổ sung, cân đối lại các chức năng đô thị nằm trong khu vực nội đô trên cơ sở di chuyển, chuyển đổi chức năng các khu vực hiện đang là công nghiệp kho tàng, cơ sở hành chính, chính trị của tỉnh. Các quỹ đất trên sau khi di dời sẽ ưu tiên xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, công trình công công, văn hóa (trường học, cây xanh – vườn hoa…) đang thiếu và mất cân đối, hạ tầng kỹ thuật (bãi đỗ xe) cho nội đô. Phát triển các chức năng: Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo chất lượng cao chuyên sâu theo hướng là trung tâm dịch vụ, điều hành. Phần còn lại, tùy từng khu vực, vị trí là điểm nhấn sẽ được nghiên cứu phát triển theo hướng tạo nên hình ảnh đô thị mới, hiện đại cho nội đô nhằm phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao phù hợp với thiết kế đô thị. Kiểm soát khu vực dọc sông Đồng Nai và sông Cái, các vùng có cảnh quan đặc biệt (xung quanh quảng trường Sông Phố, công viên Biên Hùng, chợ Biên Hòa). Cải tạo các khu dân cư cũ theo hướng không tăng dân số, giãn dân, kết hợp kiểm soát tầng cao hợp lý, tăng điều kiện sống, giảm mật độ xây dựng, tạo không gian xanh và môi trường sống tốt… tùy từng khu vực hình thành các chung cư mới, tạo hình ảnh đô thị hiện đại.
Cải tạo chỉnh trang nâng cao chất lượng sống trong các khu dân cư hiện hữu (nhà ở tự phát, nhà ở làng xóm đô thị hóa, nhà ở dân tự xây, nhà ở chung cư cũ…), tăng cường các trung tâm công cộng mới, kiểm soát bảo tồn di sản gắn với bảo tồn cảnh quan tự nhiên. Xây dựng các công trình tạo hình ảnh thành phố lịch sử như nhà hát Tỉnh, tổ hợp văn hóa thể thao Tỉnh (ở cù lao Hiệp Hòa); tổ hợp tài chính ngân hàng, các trung tâm thương mại hiện đại kết hợp các quảng trường cửa ngõ đô thị, quảng trường trung tâm, các không gian giao lưu cộng đồng… Xác lập các không gian đặc trưng về kiển trúc, cảnh quan, lễ hội văn hóa, lịch sử, dịch vụ, thương mại du lịch… Hình thành các công trình biểu tượng, điểm nhấn không gian kiến trúc đô thị gắn với các không gian sinh hoạt cộng đồng đồng. (Các giải pháp này sẽ được cụ thể hóa trong quy định quản lý hoặc trong các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tiếp theo).
Xây dựng hoàn chỉnh các tuyến trục chính đô thị kết nối Bắc – Nam thành phố, đường ven sông, một số nút giao thông giám ách tắc nội thành đồng thời với chính trang các tuyến phố chính. Xây dựng các không gian đường phố (tập trung chủ yếu vào các tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, Xa lộ Hà Nội, đường chính thành phố Bắc – Nam, đường ven sông, đường Nguyễn Du, đường Bùi Hữu Nghĩa, Đặng Văn Trơn…).
Nâng cấp hệ thống giao thông: Cải thiện điều kiện giao thông bằng các giải pháp: Mở rộng các tuyến Ngõ, xóm và nối thông các đường phố tại phường Trảng Dài, mở rộng một số tuyến giao thông như: Đường Nguyễn Khuyến, đường Bùi Trọng Nghĩa, Trần Văn Xã, Đồng Khởi. Xây dụng bổ sung hệ thống bãi đỗ xe nổi và ngầm ở các vườn hoa và dưới công trình cao tầng. Hình thành các trục không gian đi bộ kết nối các khu trung tâm.
Nén dân cư theo mô hình chùm đô thị, đa trung tâm (TOD) tại các khu vực ga đường sắt đô thị, để tạo điều kiện quỹ đất phát triển các hạ tầng xã hội cho dân cư và xây dựng các đơn vị ở mới. Trong đó xây dựng các khu tái định cư và nhà ở xã hội làm tiền đề thu hút dân cư, giảm tải áp lực cho khu đô thị hiện hữu phía Bắc thành phố Biên Hòa.
Khuyến khích gia tăng không gian mở và các tiện ích phục vụ cộng đồng tại chỗ. Hình thành các khu nhà ở với nhiều loại hình trung cấp, tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các phường Tân Hạnh, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, An Hòa, Long Hưng.
Xây dựng các trung tâm công cộng đô thị, khu đô thị mới theo các tuyến đường chính và đường hướng tâm. Hoàn thiện trung tâm thể thao cấp vùng tại phường Phước Tân – Tam Phước. Hình thành hệ thống các trung tâm dịch vụ chất lượng cao và tăng cường không gian mở, cây xanh và mặt nước.
Từng bước di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài, quỹ đất này ưu tiên phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phục vụ người dân trong khu vực, phần còn lại phát triển thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp hoặc các cơ sở sản xuất công nghệ cao (không ô nhiễm môi trường)…
Để cải thiện điều kiện ở cho người dân trong khu vực nội thành các vấn đề bảo tồn và kiến trúc nhà ở đóng góp quan trọng trong tổng thể không gian thành phố. Việc cải thiện điều kiện về nhà ở trong khu vực nội đô phụ thuộc vào chính sách phát triển và tiến độ thực hiện các đô thị mới ở ngoại ô khu vực từ vành đai 3-4 và các đô thị vệ tinh, khi mà dân số khu vực 4 quận nội thành đạt 80 vạn người. Các dịch vụ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội sẽ được tăng cao hơn đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân thông qua các quỹ đất tái đầu tư. Về kiến trúc xây dựng nhà ở khu vực nội thành phải có quy chế kiểm soát cho từng khu vực đặc thù.
Biên Hòa cần được xây dựng các trung tâm công cộng tầm cỡ quốc tế và khu vực. |
Để hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, Biên Hòa cũng cần có các trung tâm công cộng tầm cỡ quốc tế và khu vực với chức năng chủ đạo là văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch… được xây dựng với quy mô lớn, có kiến trúc đặc trưng gắn với không gian tự nhiên và không gian văn hóa truyền thống. Đồng thời nội thành Biên Hoà cũng phải đáp ứng nhu cầu về hạ tầng xã hội thường ngày cho người dân và cần có quỹ đất hợp lý để bố trí các công trình này.
Nguồn: Báo xây dựng