Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với nhiệm vụ thực hiện mục tiêu kép
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Vùng KTTĐMT) đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức lớn. Trong bối cảnh đó, các địa phương nội Vùng phải kiên quyết thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch tốt, vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Đà Nẵng là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong năm 2020. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Kinh tế của Vùng trong bối cảnh dịch COVID-19
Vùng KTTĐMT được xác định là hạt nhân tăng trưởng và là vùng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Vùng ở mức âm (-1,02%), trong đó Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất của vùng (chiếm lần lượt là 26,6% và 25,1% trong cơ cấu GDP toàn vùng), chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề bởi đại dịch.
Ngành dịch vụ, du lịch lần đầu tiên chứng kiến mức tăng trưởng âm (-2,65% vào năm 2020). Theo đó, dịch bệnh đã làm suy giảm mạnh lượng khách du lịch trong nước và quốc tế, kéo theo các hoạt động của ngành du lịch, dịch vụ bị ngưng trệ. Đây là nguyên nhân chính khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng giảm mạnh, bởi ngành dịch vụ, du lịch chiếm đến 42% GDP toàn vùng vào năm 2020.
Ngành công nghiệp-xây dựng của Vùng cũng chịu sự tác động lớn của dịch COVID-19. Năm 2020, tăng trưởng ngành công nghiệp-xây dựng toàn vùng âm 0,47%. Riêng ngành nông, lâm, thủy sản của vùng được đánh giá ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh khi đạt mức tăng trưởng khá cao 3,36% vào năm 2020. Có thể nói, ngành nông nghiệp là “đệm giảm sốc” cho nền kinh tế vùng trước các tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Tình hình đầu tư phát triển Vùng KTTĐMT cũng có sự suy giảm đáng kể. Năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của vùng đạt 154,5 nghìn tỷ đồng, giảm 5,9% so với năm 2019. 6 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của vùng đạt 67,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Đà Nẵng, Quảng Nam là hai địa phương có vốn đầu tư toàn xã hội lớn nhất vùng, với mức tỉ trọng tương ứng là 26,92%, 21,62% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của vùng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn Vùng chỉ thu hút được 33 dự án FDI đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 377 triệu USD, 19 dự án đăng ký điều chỉnh và 57 lượt góp vốn mua cổ phần; tổng vốn FDI toàn vùng chỉ chiếm 2,93% tổng FDI cả nước. Như vậy, dịch COVID-19 đã cản trở đến thu hút FDI vào vùng. Lũy kế đến tháng 6/2021, toàn vùng có 1.377 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 18,9 tỷ USD, chỉ chiếm tỉ lệ 4,76% tổng FDI của cả nước. Đây là hạn chế rất lớn của vùng trong tận dụng “ngoại lực” để phát triển trong điều kiện năng lực nội sinh chưa tạo nên “cú huých” đủ mạnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao cho vùng.
Tăng trưởng kinh tế vùng KTTĐMT qua các năm. |
Những điểm sáng
Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhờ đẩy mạnh thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế các địa phương nội vùng đã khởi sắc hơn, song vẫn còn ở mức thấp. Ngoài Quảng Nam và Bình Định đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức trung bình chung của cả nước, các địa phương còn lại đều đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong tăng trưởng kinh tế so với năm 2020. Đặc biệt, Quảng Nam là một trong 9 địa phương của cả nước có tốc độ tăng trưởng hai con số, nhờ vào tốc độ tăng trưởng cao của ngành công nghiệp – xây dựng (đạt 33,4% so với cùng kỳ năm trước).
Hoạt động xuất nhập khẩu của Vùng cũng có những khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 7 tỷ USD, bằng 61,15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của năm 2020. Trong đó xuất khẩu đạt 3.463 triệu USD, nhập khẩu đạt 3.504 triệu USD, nhập siêu 42 triệu USD.
Đáng chú ý, các địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định có cán cân thương mại ở tình trạng xuất siêu (lần lượt là 160, 162, và 445 triệu USD), các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi có cán cân thương mại ở tình trạng nhập siêu (lần lượt là 477, và 332 triệu USD). Điều này cho thấy rằng, trong bối cảnh dịch bệnh song các hoạt động ngoại thương của vùng vẫn được duy trì tương đối tốt. Đây cũng là “điểm sáng” của hoạt động kinh tế Vùng trong thời kỳ dịch COVID-19.
Nếu năm 2020, cán cân ngân sách toàn vùng bị thâm hụt nặng, 11,88 nghìn tỷ đồng vào năm 2020 (tổng thu ngân sách toàn vùng ước đạt khoảng 78,5 nghìn tỷ đồng, tổng chi ngân sách khoảng 90,4 nghìn tỷ đồng) thì nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh ở những tháng đầu năm 2021, cán cân ngân sách toàn vùng có sự cải thiện khi đạt mức thặng dư ngân sách hơn 1,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Quảng Ngãi, Quảng Nam là hai địa phương có mức thặng dư ngân sách tương đối lớn nhờ sự đóng góp của lĩnh vực lọc hoá dầu và lắp ráp, sản xuất ô tô. Tuy nhiên, nhìn chung trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, các địa phương nội vùng tiếp tục đối mặt với nguy cơ thâm hụt ngân sách nghiêm trọng do nguồn thu hạn chế trong khi chi cho phòng, chống dịch và an sinh xã hội ngày càng lớn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhờ đẩy mạnh thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế các địa phương nội vùng có phần khởi sắc hơn. Riêng Quảng Nam tốc độ tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 11,7%. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Kiên định thực hiện mục tiêu kép, thúc đẩy sản xuất
Tác động của dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế của toàn Vùng KTTĐMT, do vậy các địa phương nội vùng cần tập trung kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên địa bàn. Đây là nền tảng mấu chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng.
Biện pháp căn cơ, quan trọng nhất là hướng đến tạo ra miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm phòng vaccine. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine COVID-19 còn hạn chế, các địa phương nội vùng cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, quản lý dân cư theo các chỉ đạo của Chính phủ phù hợp với bối cảnh địa phương, song phải kiên quyết hướng đến thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Đặc biệt, các địa phương nội vùng cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong quản lý phòng dịch nhằm bảo đảm hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất được lưu thông thuận lợi, tránh tư tưởng cực hữu, cục bộ địa phương trong thực hiện chống dịch mà làm đứt gẫy chuỗi cung ứng, ngưng trệ hoạt động sản xuất nội vùng.
Các địa phương nội Vùng cần chú trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất song song với phòng chống dịch; thiết lập các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, trước mắt tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sau đó từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch chuẩn bị các tiền đề để đi vào hoạt động trong bối cảnh hậu dịch COVID-19. Cần nhanh chóng có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong một số ngành nghề mà địa phương có thế mạnh, lợi thế so sánh. Đây là công cụ quan trọng nhằm nâng cao tính thích ứng cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 song các hoạt động ngoại thương của vùng vẫn được duy trì tương đối tốt. Đây cũng là “điểm sáng” của hoạt động kinh tế vùng. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Phát triển nhân lực bậc cao; xóa bỏ cản trở trong thu hút đầu tư
Trong dài hạn, các địa phương nội Vùng cần xác định phát triển nguồn nhân lực và khoa học-công nghệ là nền tảng để phát triển bền vững vùng. Phát triển nguồn nhân lực bậc cao nên được thực hiện ở cấp vùng hơn là cấp tỉnh. Ngoài ra, các địa phương nội vùng cần nhanh chóng đổi mới, sửa đổi, bổ sung các chính sách để thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, các địa phương cần phải chuẩn bị đầy đủ các tiền đề, các điều kiện để tiếp nhận tốt hơn các làn sóng công nghệ mới trong tương lai.
Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch. Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến môi trường kinh doanh theo hướng tạo ra sự hấp dẫn, minh bạch, nhất quán và ổn định. Đẩy mạnh CCHC nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh nội vùng. Mọi thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là hoạt động FDI phải hết sức gọn nhẹ, không tăng chi phí, không gây khó khăn đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tạo niềm tin và luôn sát cánh với nhà đầu tư trước, trong và sau hoạt động đầu tư.
Về phương diện điều tiết vĩ mô, cần tập trung xóa bỏ những cản trở ách tắc trong đầu tư hơn là đưa ra các biện pháp khuyến khích đặc biệt, cố gắng hoàn chỉnh các chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế một cách nhất quán, hạn chế thay đổi chính sách thường xuyên. Hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi theo hướng khuyến khích thu hút các nguồn vốn FDI có công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Theo đó, các địa phương nội vùng cần loại bỏ tư duy “thu hút FDI bằng mọi giá”, cần chủ động lựa chọn dự án và đối tác đầu tư, kiên quyết từ chối cấp giấy phép các dự án FDI không bảo đảm các tiêu chuẩn công nghệ gắn với bảo vệ môi trường và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.
Một yếu tố khác cần chú trọng là đẩy mạnh liên kết phát triển vùng KTTĐMT, trước mắt tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ du lịch, dịch vụ vận tải và sản xuất công nghiệp nhằm tái khởi động và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Đặc biệt, các địa phương trong vùng cần chú trọng hơn trong cả liên kết cứng (hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực) và liên kết mềm (thể chế, chính sách, chương trình xúc tiến đầu tư).
Tiến sĩ Hoàng Hồng Hiệp
Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ
Nguồn: Báo xây dựng