Những thành phố dưới đáy đại dương

Những thành phố dưới đáy đại dương

Nếu như tới nay nhân loại vẫn còn được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ đại đã vượt qua thử thách của thời gian, thì cũng tiếc nuối với nhiều công trình đã biến mất theo gió bụi.

Đại dương thăm thẳm cũng đã nhấn chìm nhiều công trình vĩ đại, kể cả những thành phố. Việc phát hiện ra những công trình kiến trúc dưới đáy biển càng khiến cho nỗi lo lớn hơn khi mà tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một dữ dội, băng tan ở cả hai cực Trái Đất và nước biển dâng.

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng. Các khu vực ven biển ở vùng trũng dễ bị tổn thương khi mực nước biển dâng cao 1 mét – mức mà các nhà khoa học cảnh báo có thể xảy ra vào năm 2100.

tm-img-alt
Phục dựng bằng công nghệ 3D trung tâm thị trấn cổ Ravenser Odd (nước Anh) được cho là đã bị chìm dưới biển cách đây 1650 năm. Nguồn: CAS Online.

Nhiều đô thị trước nguy cơ bị nhấn chìm

Tiến sĩ Ben Strauss – Tổ chức Phân tích và báo cáo về khoa học khí hậu Climate Central nói: Có những thành phố hôm nay sẽ biến thành Atlantis vào ngày mai. Không chỉ một phần thành phố mà sẽ là cả thành phố. Đây không phải là những câu chuyện thần thoại bởi vì các thành phố thực sự tồn tại và chúng sẽ kể cho chúng ta nghe những câu chuyện về chúng.

Những nỗ lực nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu không chỉ để bảo vệ cuộc sống mà chúng ta có ngày hôm nay, mà còn định hướng những câu chuyện mà con cháu chúng ta kể về chúng ta. Sẽ có rất nhiều câu chuyện về những gì chúng ta đã mất, và những thứ chúng ta đã không thể bảo vệ được.

Trong hàng thế kỷ, con người đã đổ về các vùng ven biển, xây dựng những đô thị lớn ngay bên bờ biển. Tuy nhiên, theo những cảnh báo của Liên hợp quốc thì biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động khôn lường đối với các thành phố ven biển.

Khi Trái Đất ngày càng ấm lên và băng tan, những vùng biển, nơi vốn mang đến nguồn của cải vô tận, “sẽ vẽ lại bản đồ thế giới”, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, do nhiều thành phố ven biển sẽ bị nhấn chìm trong nước.

TS Ben Strauss bày tỏ lo lắng khi cho rằng, tới năm 2050, nhiều thành phố ven biển sẽ bị nhấn chìm, “nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn thờ ơ trong khi hầu hết các thành phố đều đang đối mặt với viễn cảnh sinh tử”.

Vẫn theo vị chuyên gia này thì điều đáng nói là vào giữa thế kỷ 21 không chỉ có nước biển dâng, mà nước biển dâng sẽ kết hợp với các trận lũ tồi tệ.

Ông Darryl Colenbrander – Trưởng ban Quản lý và chính sách ven biển (thành phố Cape Town, Nam Phi) cho biết, đường bờ biển đóng góp khoảng 10% vào GDP hàng năm của Cape Town. Mặc dù thành phố có khả năng chống chọi với tình trạng nước biển dâng, với cơ sở hạ tầng chống lũ tối tân cùng hệ thống cảnh báo sớm hiện đại, nhưng hiện vẫn có gần 10.000 hộ gia đình phải sống trong những ngôi nhà thường xuyên bị ngập nước mỗi khi thủy triều dâng.

Anton Cartwright – nhà nghiên cứu tại Trung tâm các thành phố châu Phi thì nói, nếu không có những giải phải mạnh mẽ thì sẽ đến lúc “chúng ta sẽ chết chìm hoặc bơi cùng nhau”.

Theo Liên hợp quốc, không chỉ rất đông dân cư sống ven biển và các thành phố duyên hải vẫn tiếp tục phình to bị đe dọa, mà còn có tới 140 di sản văn hóa thế giới đứng trước nguy cơ bị nước biển nhấn chìm, phần lớn trong số đó nằm ở Địa Trung Hải. Thành phố kênh đào Venice (Italy) nơi được UNESCO mô tả là một “kiệt tác kiến trúc phi thường” thì tới nay đã lại trở thành di sản thế giới bị đe dọa nhiều nhất, khi hơn 90% diện tích nằm ở khu vực dễ bị ngập lụt.

Ông Georg Umgiesser (Viện Khoa học biển CNR-ISMAR) cho biết, mực nước biển ở Venice đã tăng 32 cm kể từ năm 1990. Thành phố đang chìm dần từng chút một. Dẫn ý kiến của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), ông Umgiesser cho biết đến năm 2100, mực nước biển sẽ dâng khoảng 1,2 mét so với hiện nay và nhấn chìm Venice.

“Việc nước dâng thêm 50 cm sẽ là thảm họa đối với Venice. Vì nếu tăng thêm 50 cm, chúng tôi sẽ có mực nước biển 82 cm và Quảng trường St. Mark ở độ cao 80 cm so với mực nước biển, điều đó có nghĩa là sẽ luôn có nước trên Quảng trường này” – ông Georg Umgiesser nói.

Liên hợp quốc cảnh báo, nếu không có các biện pháp nhằm thích ứng với tình trạng nước biển dâng, thì theo kịch bản xấu nhất sẽ có 136 thành phố ven biển của thế giới sẽ bị thiệt hại từ 1,6 đến 3.200 tỷ USD vào năm 2050. Trước tình thế đó, ông Johan Verlind – Giám đốc chương trình Kế hoạch thích ứng với khí hậu Rotterdam (Hà Lan) cảnh báo, mặc dù chính quyền đã xây dựng rất nhiều đê điều, nhưng trong vài năm gần đây lượng mưa trở thành một vấn đề lớn và Rotterdam “thực sự là một bồn tắm”.

Một nghiên cứu được Đại học Leeds (Anh) công bố vào cuối tháng 11/2023 cho thấy, hơn 40% thềm băng ở Nam Cực đã bị thu hẹp kể từ năm 1997, trong đó gần một nửa không có dấu hiệu phục hồi.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí hậu thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương (NOAA) của Mỹ cho biết, với tình trạng đại dương ấm lên, năm 2024 có thể là năm ấm nhất lịch sử, vượt qua những gì chúng ta đã thấy vào năm 2023.

tm-img-alt
Những pho tượng cổ tìm thấy ở thị trấn Baiae, “miền đất xa hoa” của La Mã cổ đại chìm xuống biển. Nguồn: Scobadiving.

Atlantis mãi vẫn là huyền thoại

Cho tới nay, thực hư về lục địa Atlantis hay còn gọi là thành phố Aslantis vẫn là điều bàn cãi. Người ta vẫn không thể xác định thành phố này có thật sự tồn tại hay không? Hay đây là một đế chế đã bị “thất lạc”, mà rất có thể đã bị chìm xuống đáy biển từ hàng ngàn năm trước.

Từ rất nhiều nghiên cứu khoa học, người ta đã xây dựng nên những lập luận khác nhau về lục địa này.

Một trong những suy luận mới nhất xung quanh sự tồn tại của Atlantis đó chính là câu chuyện về người Minoans. Đây là nền văn minh thời đại đồ đồng của người Crete, họ đã sống trên đảo Hy Lạp hàng ngàn năm trước đây, thời gian phát triển nhất vào khoảng 2.700 tới năm 1.450 trước Công nguyên. Nhưng vì sao nó bỗng dưng biến mất? Lý giải cho điều này đó chỉ có thể là do sóng thần, động đất.

Nhiều nhà khoa học lại cho rằng, đây có thể là một quần hòn đảo từng rất thịnh vượng, nằm giữa Scotland và Na Uy. Và rằng Atlantis không phải là hòn đảo riêng biệt nào cả mà đơn giản nó là một số bộ tộc với nền văn minh nằm dọc theo phía bờ đông của Địa Trung Hải.

Nhưng cũng lại có giải thiết cho rằng, huyền thoại Atlantis phải thuộc về Nam Mỹ, và thành phố đảo này đã bị nhấn chìm từng nằm trên dãy núi Pampa Aullagas. Lý do mà suy luận này được đưa ra là có nét tương đồng giữa miêu tả của khu vực này và thành phố Atlantis theo sử sách Hy Lạp cổ đại đưa ra.

Huyền thoại Atlantis đã từng được nhà triết học Hy Lạp cổ đại Platon (được cho là mất vào năm 423 trước Công nguyên) mô tả trong tác phẩm của mình, khi ông đề cập tới việc các tàu thuyền trên Đại Tây dương cập bến tại Azores – là quần đảo thuộc Bồ Đào Nha sau này. Lần theo dấu vết, các chuyên gia thời hiện đại đã tiến hành nghiên cứu về những cấu trúc thuộc về La Mã trước đây, họ nhận thấy có sự tương đồng với những miêu tả trong sự tích nổi tiếng về huyền thoại Atlantis. Từ đó người ta tin rằng đây là vị trí của Atlantis. Mặc dù có người tin, có người không nhưng cho đến nay thì luận điểm này đã bị giới khoa học bác bỏ.

Chưa hết, liên quan đến bí ẩn của thành phố huyền thoại Atlantis, một số giả thiết còn cho rằng tam giác Bermuda (là một khu vực biển chết nằm ở Bắc Đại Tây dương, giữa Bermuda, Puerto Rico và Florida của Mỹ) đã nuốt chửng Atlantis và vẫn gây họa cho tàu thuyền đi lại vùng biển này cho mãi tới tận sau này.

Nhưng cũng không ít người cho rằng Atlantis không có thật, mà chính Platon đã đưa ra câu chuyện về Atlantis để “bóng gió” nói về một nền văn minh nổi tiếng trước thời ông sống đã bị tàn phá trong những cuộc chiến tranh tàn khốc “gió tanh mưa máu”.

tm-img-alt
Thành phố cổ dưới nước Pavlopetri lâu đời nhất thế giới. Nguồn: Aerial-motion.

Baiae, thành phố một thời là “miền xa hoa”

Còn được gọi là “Las Vegas của thế giới cổ đại”, Baiae nằm sâu dưới đáy đại dương, từng là một trong những thành phố nghỉ dưỡng bậc nhất dành cho giới thượng lưu La Mã giàu có.

Với những gì còn sót lại, giới khoa học xác định Baiae nằm cách Rome (Italy) khoảng 240 km về phía nam, giữa dãy núi Vesuvius và biển Địa Trung Hải rộng lớn. Đây còn được gọi bằng một cái tên khác: Miền đất xa hoa, nơi sản sinh ra nhiều truyền thuyết bí mật, âm mưu và bê bối.

Thời điểm chính xác Baiae được xây dựng vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng đến thế kỷ 1 trước Công nguyên, thành phố này đã trở thành điểm đến yêu thích của giới thượng lưu La Mã cổ đại. Những tên tuổi như Julius Caesar, Augustus và Nero đều sở hữu những ngôi nhà nghỉ dưỡng ở đó.

Các nguồn cổ xưa khác miêu tả khu nghỉ dưỡng này là “bến cảng cuối cùng”, nơi du khách được thực sự thả mình vào đời sống “hoang dã”, nơi này khét tiếng với những lễ hội và những bữa tiệc khổng lồ.

Nhưng rồi, thành phố khét tiếng ấy đã chìm xuống biển. Vào khoảng năm 400, một phần đáng kể của Baiae đã bắt đầu chìm xuống biển Địa Trung Hải. Vì thành phố không chỉ nằm gần núi lửa Vesuvius mà còn gần siêu núi lửa dữ dội Campi Flegrei. Hoạt động của núi lửa cuối cùng đã đẩy phần lớn thành phố ven biển xuống nước.

Người ta cũng nhận thấy, một số phần của Baiae vẫn nằm trên mặt đất và những khu vực đó vẫn có dân cư tương đối đông đúc cho đến tận thế kỷ thứ 8. Baiae chỉ thực sự trở nên hoang tàn vào những năm 1.500, khi đại dịch sốt rét tàn khốc tràn qua.

Khoảng những năm 1920, một số di vật dạt vào bãi biển Baiae. Nhưng phải đến khoảng năm 1940, khu nghỉ dưỡng bị chìm dưới nước mới được khám phá trở lại.

Theo tờ Guardian, Raimondo Baucher – một phi công của lực lượng không quân Italy, đã mô tả việc nhìn thấy một “thị trấn ma kỳ lạ” khi bay thấp trên vùng biển từng là nơi Baiae tọa lạc. Baucher đã chụp ảnh những cây cột, bức tường khảm, hay cả vỉa hè mà anh ta có thể nhìn thấy từ trên trời.

Enrico Gallochio – một nhà khảo cổ học quản lý di tích dưới nước của Italy nói với Guardian: Nước sâu khoảng 1,5 mét và vì bầu trời cùng biển rất trong vào ngày hôm đó nên anh ấy có thể nhìn thấy thứ gì đó bên dưới. Những bức ảnh của Baucher đã tiết lộ một thế giới mà người dân địa phương từng nghi ngờ rằng có thứ gì đó ở đáy biển nhưng họ không biết đó là gì.

Kể từ lần khám phá thú vị này, từ năm 2950, Baiae đã trở thành chủ đề của một số dự án khảo cổ và khai quật. Thế giới dưới nước của Baiae đã thu hút đông đảo khách du lịch hàng năm nhưng muốn khám phá họ bắt buộc phải có “người nhái” đi cùng.

Năm 2002, diện tích khoảng 500 ha được chính thức tuyên bố là khu vực biển được bảo vệ để ngăn chặn nạn trộm cắp cổ vật. Nhà khảo cổ Gallochio xác nhận, có dấu vết của những căn phòng sang trọng, nơi chắc hẳn đã liên tục tổ chức các bữa tiệc của giới nhà giàu. Và chính điều đó đã “khuyến khích” kẻ cắp thực hiện những hoạt động liều lĩnh.

tm-img-alt
Quần thể kiến trúc đá Yonaguni (Nhật Bản) chìm sâu khoảng 30 mét dưới nước. Nguồn: LiveS/WK.

Kiến trúc đá bí ẩn trong vùng biển Nhật Bản

Còn tại Nhật Bản, cũng có một quần thể kiến trúc nằm dưới đáy Thái Bình Dương gây rất nhiều tranh cãi. Nó nằm bên dưới vùng nước ven biển sâu khoảng 30 mét ở đảo Yonaguni, nổi tiếng với những kiến trúc bằng đá bí ẩn.

“Khi lần đầu tiên phát hiện ra và chiêm ngưỡng tận mắt, tôi bị dựng tóc gáy, có cảm giác nổi da gà. Mọi thứ thật sự choáng ngợp” – ông Kihachiro Aratake, người tìm thấy quần thể Yonaguni, cho biết.

Hơn 50 năm trước, khi đang tìm kiếm địa điểm lặn, ông Aratake tình cờ phát hiện ra nơi này. Sau đó, nhóm các chuyên gia do Giáo sư Masaaki Kimura đến từ Đại học Ryukyu dẫn đầu tiến hành nghiên cứu quần thể bằng đá bí ẩn dưới nước. Tiếp đến, hai chuyên gia của Đại học Ryukyu đi cùng ông Aratake tiếp tục việc nghiên cứu. Nhưng họ vẫn không thể xác định được “thành phố bị nhấn chìm” này là công trình tự nhiên hay nhân tạo, vì nó quá khác thường.

Tuy nhiên, thứ khiến người ta tin rằng quần thể kiến trúc này do con người tạo ra là phần cầu thang xoắn ốc. Giáo sư Masaaki tin rằng đây là sản phẩm của người cổ đại bởi có nhiều cấu trúc nhân tạo cùng đồ gốm, công cụ bằng đá vôi là lò sưởi cổ.

Kenzo Watanabe, một thợ lặn chuyên nghiệp, được nhóm chuyên gia thuê đã mô tả: “Cảnh tượng rất choáng ngợp với nhiều hình dạng đối xứng và bề mặt khác nhau. Tôi thắc mắc không hiểu nó được tạo ra thế nào. Những cấu trúc này khiến tôi liên tưởng tới các loại công cụ mà người xưa từng sử dụng”.

Còn theo chuyên gia Robert Schoch đến từ Đại học Boston (Mỹ) thì với những khối đá trong quần thể có nhiều đường nứt dọc đan xen lẫn nhau thì đó chính là những đường nứt do tự nhiên tạo ra. Sóng và thủy triều làm xói mòn khiến nó có hình dạng giống như bậc thang. Tương tự, giáo sư Takayuki Ogata (Đại học Ryukyu) cho biết, lúc đầu ông cũng cho rằng cấu trúc này tương tự như trên mặt đất, nhưng chỉ khác là nó nằm dưới nước. Nhưng càng đi sâu nghiên cứu ông càng cho rằng nó được hình thành một cách tự nhiên dưới đáy biển.

Đến nay, quần thể kiến trúc này vẫn là điều bí ẩn khi người ta không thể chắc chắn rằng nó được hình thành một cách tự nhiên hay là dấu vết của một thành phố bị nước biển nhấn chìm.

Thành phố 5.000 năm mất tích

Cho tới nay, thành phố có tên là Pavlopetri được cho là có tuổi đời khoảng 5.000 năm, nằm ngoài khơi bờ biển phía nam Laconia ở Peloponnese (Hy Lạp) được coi là thành phố bị mất tích, chìm dưới đáy biển lâu đời nhất trên thế giới.

Thành phố dưới nước Pavlopetri được Nicholas Flemming phát hiện vào năm 1967 và được lập bản đồ vào năm 1968 bởi một nhóm các nhà khảo cổ từ Cambridge.

Pavlopetri nằm giữa hòn đảo Pavlopetri cắt làng Elafonisos và bãi biển Pounta. Với những gì được phát hiện, thành phố cổ xưa này độc đáo vì nó có một quy hoạch thị trấn gần như hoàn chỉnh, bao gồm cả đường phố, tòa nhà và lăng mộ. Thoạt đầu người ta cho rằng các tàn tích có niên đại từ thời Mycenaean (1.600-1.100 trước Công nguyên), nhưng các nghiên cứu sau đó cho thấy niên đại của các tàn tích này phải bắt đầu từ trước năm 2.800 trước Công nguyên, do vậy nó có thể bắt đầu từ Kỷ đồ đồng đầu niên đại Minoan.

Người ta tin rằng thị trấn đã bị nhấn chìm vào khoảng năm 1.000 trước Công nguyên bởi một trận động đất cực lớn. Khu vực này không bao giờ lại nổi lên mặt đất nữa mà “yên nghỉ” trong lòng đại dương.

Mặc dù bị xói mòn qua nhiều thế kỷ, nhưng cách bố trí của thị trấn vẫn như hàng nghìn năm trước. Các cuộc điều tra thực địa năm 2009 phần lớn là để lập lại bản đồ khu vực này. Đây là thị trấn chìm dưới nước đầu tiên được khảo sát bằng kỹ thuật số ba chiều. Họ đã tìm ra ít nhất 15 tòa nhà ngập trong nước biển sâu từ 4 – 7 mét. Cho tới tháng 10/2009, có thêm 4 cuộc điều tra thực địa nữa đã được tiến hành bởi các nhà khảo cổ học (Đại học Nottingham, Anh) và nhóm các nhà khoa học từ Trung tâm Công nghệ Robot hiện trường (Australia). Một trong những kết quả của cuộc khảo sát xác định rằng thị trấn là trung tâm của ngành công nghiệp dệt đang phát triển mạnh (từ nhiều khung dệt được tìm thấy trong khu vực này). Ngoài ra, người ta cũng tìm được nhiều bình gốm lớn – biểu thị của một thương cảng lớn.

Theo UNESCO, tất cả các dấu vết về sự tồn tại của con người nằm dưới nước từ 100 năm trở lên đều được bảo vệ bởi Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa dưới nước. Công ước nhằm ngăn chặn việc phá hủy cũng như cướp bóc di sản.

Nơi sâu nhất của đại dương ở đâu?Trước năm 1960, người ta tin rằng Vực thẳm Challenger ở độ sâu 7.918 mét đã là “đáy” của biển. Tuy nhiên, tới năm 2019, các nhà khoa học lại cho rằng Vực thẳm Challenger phải sâu tới 10.923 mét. Vực thẳm Challenger thuộc Rãnh Mariana nằm ở Thái Bình Dương, trải dài 2.540 km.

Tới nay, con người mới chỉ khám phá khoảng 5 – 10% các đại dương.

Nếu như cá voi xanh thường đi săn ở độ sâu khoảng 100 mét dướimặt nước biển, là phạm vi được mặt trời chiếu sáng khá rõ thì kỷ lục lặn sâu nhất của con người là 253 mét, được xác lập bởi một thợ lặn người Áo tên là Herbert Nitsch. Ở độ sâu đó, áp suất cao hơn 26 lần so với trên bề mặt và có thể làm nát phổi của hầu hết mọi người.

Tàu ngầm nguyên tử hiện đại có thể “phiêu lưu” ở độ sâu tối đa là 731 mét. Còn ở mức sâu 999 mét sẽ hoàn toàn mất ánh sáng mặt trời. Đây là vùng bóng đêm. Đáng kể là nhiều loài vật sống ở độ sâu này không cần nhìn gì, trong đó có loài tôm không mắt sinh sống ở độ sâu khoảng 2.238 mét.

Còn 2.992 mét là độ sâu lớn nhất ghi nhận có động vật có vú bơi lội, đó là loài cái voi mõm khoằm Cuvier. Ở đây, áp suất cao gấp 378 lần so với mặt biển, tuy vậy sự sống vẫn tồn tại mà chưa có lời giải thích thỏa đáng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích