Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng tại Đông Anh và Văn Giang
Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng tại Đông Anh và Văn Giang
Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu và đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp đầu tư, xây dựng 2 đập dâng lớn trên sông Hồng. Theo đề xuất, sẽ xây dựng trước hai đập dâng tại khu vực Xuân Quan (Văn Giang – Hưng Yên) và tại khu vực cống Long Tửu (Đông Anh – Hà Nội).
Thủ tướng dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang
Trong các ngày 23, 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xúc tiến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang
Phát biểu tại các cuộc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các địa phương khai thác tối đa nguồn lực bên trong; tập trung vào các ngành mới nổi chuyển đổi xanh, số, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ, trí thức… Lấy đổi mới sáng tạo làm động lực chính; phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng tạo không gian phát triển mới. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; cơ chế chính sách thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai Quy hoạch tỉnh; đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị.
Trước đó, ngày 19/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 236/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xác định những động lực mới để phát triển khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp
Ngày 22/3, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2045.
Quy mô (diện tích) lập điều chỉnh quy hoạch khoảng 31.936 ha.
Về tính chất, KKT cửa khẩu Đồng Tháp là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch – đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp gắn với các cửa khẩu quốc tế; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, trước hết trong quan hệ với Campuchia; đồng thời là khu vực đô thị biên giới; có ý nghĩa quan trọng về an ninh – quốc phòng.
Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 190.000 người, đến năm 2045 khoảng 270.000 người.
Dự báo quy mô đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 8.000 – 9.000 ha, đến năm 2045 khoảng 9.000 – 10.000 ha.
Làm rõ vị trí, vai trò của đô thị Lương Sơn đối với vùng Thủ đô và khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 22/3, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đến năm 2045.
Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Lương Sơn, khoảng 36.482,72ha.
Dự kiến phát triển dân số đến năm 2035 khoảng 180.000 người, đến năm 2045 khoảng 250.000 người.
Về tính chất, đô thị Lương Sơn là một trong những trung tâm kinh tế – xã hội khu vực phía Đông tỉnh Hòa Bình; định hướng phát triển theo mô hình đô thị mới, đô thị thông minh, đô thị sinh thái và phát triển bền vững; có vai trò hỗ trợ các chức năng giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ hỗn hợp, nhà ở; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội khu vực.
Đồng thời là khu vực có vai trò chiến lược, quan trọng về GTVT, kết nối giữa tỉnh Hòa Bình và vùng Thủ đô; là vùng phát triển cân bằng của công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ du lịch, văn hóa xã hội của tỉnh.
Sắp xếp đơn vị hành chính sau khi sáp nhập phải tạo được không gian phát triển
Ngày 21/3, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về tình hình phát triển đô thị trên địa bàn.
Qua đánh giá phân loại đô thị Bắc Giang (theo tiêu chí đô thị loại II), đô thị Bắc Giang có 5 tiêu chí đạt điểm tối thiểu trở lên và tổng số điểm của các tiêu chí đạt 91,18/100 điểm, đủ điều kiện được công nhận đô thị loại II.
Kết quả đánh giá khu vực dự kiến thành lập 13 phường của TP Bắc Giang đều đạt từ 11 đến 13/13 tiêu chuẩn trở lên.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn lưu ý, tỉnh cần có đánh giá sâu về phát triển đô thị; xem xét các chỉ tiêu, tiêu chí quy định về đô thị để bổ sung đảm bảo cơ sở pháp lý, tính chặt chẽ, khả thi của Đề án.
Bên cạnh đó, cần rà soát, hoàn thiện các chỉ tiêu còn thấp so với quy định, chuẩn hóa số liệu trong Đề án, sớm trình Bộ Xây dựng xét quyết định.
Công bố Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050
Ngày 21/3, Bộ NN&PTNT tổ chức công bố quy hoạch và kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Mục tiêu chung của Quy hoạch là bảo đảm cấp nước, tiêu thoát nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, hiện Bộ đã nghiên cứu và nghiệm thu, đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp đầu tư, xây dựng 2 đập dâng lớn trên sông Hồng.
Theo đề xuất, sẽ xây dựng trước hai đập dâng tại khu vực Xuân Quan (Văn Giang – Hưng Yên) và tại khu vực cống Long Tửu (Đông Anh – Hà Nội), dự kiến khởi công vào giai đoạn 2026-2030.
Một số chuyên gia cho rằng, Bộ NN&PTNT cần thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất này, nhất là những tác động môi trường đối với khu vực được đề xuất thực hiện công trình.
Quy hoạch KCN Gia Lách mở rộng góp phần hình thành đô thị phía Bắc huyện Nghi Xuân
Ngày 18/3, Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh đã công bố đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Gia Lách mở rộng, tỷ lệ 1/2.000 trên địa bàn huyện Nghi Xuân.
Khu vực quy hoạch KCN Gia Lách mở rộng thuộc địa phận xã Xuân Viên, thị trấn Xuân An, quy mô nghiên cứu 310,81ha; quy mô lập quy hoạch 194,36 ha.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác tối đa việc sử dụng các quỹ đất phát triển công nghiệp, góp phần xây dựng huyện Nghi Xuân trở thành một điểm nhấn về kinh tế, hạ tầng đồng bộ và hình thành đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An. Đồng thời, làm cơ sở pháp lý cho việc lập các dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Về định hướng thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật, KCN Gia Lách mở rộng ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông; cấp điện, chiếu sáng; hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải; quản lý chất thải rắn…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị