WHO: Kêu gọi chung tay chấm dứt bệnh lao tại các nước châu Phi
WHO: Kêu gọi chung tay chấm dứt bệnh lao tại các nước châu Phi
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước châu Phi chung tay và đầu tư cho các biện pháp mang lại hiệu quả cao để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh lao vào năm 2030.
Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, bà Matshidiso Moeti, cho biết có thể giảm đáng kể gánh nặng bệnh lao ở châu Phi nếu như các chính phủ, ngành y tế và các đối tác tài trợ đầu tư cho công tác chẩn đoán, sản xuất vaccine và nghiên cứu những phương pháp điều trị mới.
Theo bà, bệnh lao tiếp tục là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai do một tác nhân truyền nhiễm, vượt cả HIV và AIDS.
Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2022, ở châu Phi có khoảng 2,5 triệu người mắc bệnh lao, tương đương cứ 13 giây lại có thêm một người mắc mới.
Bên cạnh đó, số ca tử vong do lao cũng lên tới 424.000 người trong năm 2022, tức là cứ mỗi phút lại có một người thiệt mạng, mặc dù bệnh lao có thể phòng ngừa và điều trị được.
Theo bà Moeti, những số liệu này nhấn mạnh tính cấp bách và nỗ lực bền bỉ của hành động tập thể trong việc giải quyết dịch bệnh lao đang diễn ra, cho dù trong thời gian qua công cuộc chống bệnh lao ở châu Phi cũng đã đạt được một số tiến bộ nhất định như đã làm giảm 38% số ca tử vong trong khoảng thời gian từ năm 2015-2022.
Nhân Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao năm nay (24/3), WHO đã lấy chủ đề “Có! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao!” để khơi dậy các chiến dịch nâng cao nhận thức loại bỏ căn bệnh do vi khuẩn gây ra và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố ô nhiễm, sống quá đông đúc và nghèo đói này.
Bà Moeti nói rõ việc chia sẻ kiến thức, tạo điều kiện cho việc tiếp cận chẩn đoán, thực hiện kiểm soát bệnh lao hiệu quả và hợp tác khu vực sẽ là chìa khóa để đảm bảo rằng căn bệnh này sẽ không còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng ở châu Phi.
Những hành động thiết thực nhất, theo bà Moeti, là tăng cường phòng chống bệnh lao đa kháng thuốc, tăng cường giám sát, tài trợ đầy đủ, triển khai nghiên cứu, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và tăng cường hệ thống y tế.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) năm nay, WHO kêu gọi các quốc gia, trong đó có Việt Nam chung tay thực hiện 5 nhiệm vụ nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao.
Trong 5 nhiệm vụ đó, WHO kêu gọi duy trì nguồn lực bảo đảm tiếp cận toàn diện trong chăm sóc và nghiên cứu về bệnh lao; nhanh chóng phổ biến các phác đồ điều trị lao mới theo hướng dẫn của WHO. Đồng thời, để chấm dứt bệnh lao, tất cả các ngành, của cộng đồng và toàn xã hội cần phối hợp hành động nhằm cung cấp đầy đủ các dịch vụ, hỗ trợ phù hợp và tạo ra một môi trường an toàn.
Đặc biệt, WHO cũng tái cam kết tiếp tục phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện thực hóa 5 nhiệm vụ trên để tiến tới các mục tiêu, đó là giảm 75% tỷ lệ chết do lao vào năm 2026 so với 2018; giảm tỷ lệ mắc lao 50% vào năm 2026 so với 2018; giảm 50% tỷ lệ bệnh nhân và gia đình họ đối mặt với chi phí thảm họa vào năm 2026 so với 2018.
Theo Báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước chịu gánh nặng về bệnh lao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu.
Theo số liệu ước tính năm 2023, Việt Nam đã có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong vì căn bệnh này. Ngoài ra, lao đa kháng thuốc ước tính có khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Phó Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia Nguyễn Bình Hòa, một trong những nguyên nhân khiến dịch tễ lao toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng còn nặng nề, tốc độ giảm quá chậm là do lao tiềm ẩn.
Cụ thể, hiện có rất nhiều bệnh nhân lao chưa được phát hiện. Số liệu điều tra cho thấy, có khoảng 50% bệnh nhân lao được phát hiện đều không có triệu chứng. Đây chính là nguồn lây bệnh tiềm ẩn cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, đến nay, mới có 51/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thành lập bệnh viện phổi hoặc bệnh viện lao và bệnh phổi. Còn lại 12 tỉnh chưa thành lập bệnh viện lao, phổi nên công tác chống lao gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để tăng thêm nhân lực trong công tác phòng, chống bệnh lao, Chương trình Chống lao quốc gia đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở. Đây được xem là lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất.
Trong giai đoạn tới, Bộ Y tế – Chương trình Chống lao quốc gia sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược, chính sách phù hợp nhằm tăng cường và phát huy năng lực của hệ thống y tế tuyến cơ sở, trong đó có cán bộ làm công tác chống lao.
Chương trình Chống lao quốc gia – Bệnh viện Phổi trung ương sẽ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phòng, chống lao các tuyến. Đây là yếu tố quan trọng để các dịch vụ khám, chữa bệnh lao có chất lượng cao tới được với người dân
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị