Quảng Trị kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng
Quảng Trị kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng
Quảng Trị là một trong những tỉnh được các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế đánh giá có tính đa dạng sinh học cao.
Ngày 24/3/2024, UBND tỉnh phối hợp với Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND TP Đông Hà tổ chức lễ mít tinh phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã (ĐVHD) năm 2024 với thông điệp ‘Con người có cặp, thú rừng có đôi’ – ‘Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời’.
Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn Đa dạng sinh học (VFBC) Trung ương cùng đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, địa bàn tỉnh Quảng Trị là một trong những vùng được các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế đánh giá có tính đa dạng sinh học cao. Hệ động, thực vật phong phú và đa dạng với hơn 110 loài thú, 198 loài chim, 83 loài lưỡng cư, bò sát, hơn 336 loài cá và khoảng 2.152 loài thực vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm như: gà lôi lam mào trắng, sao la, bò tót, mang lớn, thỏ vằn; đỉnh tùng, lan hài, trầm hương….
Với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế -xã hội và bảo vệ môi trường, tỉnh Quảng Trị đã thành lập được 3 Khu bảo tồn thiên nhiên, gồm: Đakrông, Bắc Hướng Hóa, biển đảo Cồn Cỏ; 2 khu rừng bảo vệ cảnh quan: Đường Hồ Chí Minh huyền thoại và Rú Lịnh; 1 hành lang đa dạng sinh học kết nối 2 khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa.
Thời gian qua nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về bảo vệ các loài động vật hoang dã; đặc biệt là các loài nguy cấp quý hiếm nên tình hình nuôi nhốt, săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, động, thực vật hoang dã đang đứng trước nhiều nguy cơ, đe dọa lớn. Các áp lực của gia tăng dân số đã và đang tạo ra nhu cầu lớn về tiêu thụ thịt động vật hoang dã. Sự thay đổi phương thức sử dụng đất, biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường…đã suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã. Tình trạng khai thác, săn bắn, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã tuy được các cấp, ngành và các địa phương có nhiều cố gắng để hạn chế, nhưng thực tế này ngày càng diễn biến với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp.
Trên phương diện quốc gia, Chính phủ Việt Nam có nhiều hành động chung sức bảo vệ động vật hoang dã. Cụ thể Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý các loài động vật hoang dã; Công văn số 122/BTNMT-BTĐD ngày 9/01/2024 Bộ Tài nguyên và Môi trường về “Đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài động vật hoang dã” và Công văn số 556/BNN-KHCN ngày 17/01/2024 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã”.
“Tại sự kiện quan trọng này, tôi kêu gọi sự chung tay của cộng đồng và các cấp các ngành liên quan, người dân cùng hành động vì động vật hoang dã. Hãy sống có trách nhiệm cùng bảo vệ động vật hoang dã, làm điều thiện với thiên nhiên, để bảo tồn động vật hoang dã và hệ sinh thái. Qua chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người tiêu dùng và cộng đồng về vai trò quan trọng của động vật hoang dã đối với thiên nhiên và với con người và hãy nói không với thịt thú rừng”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Dự án VFBC, Phó trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á tiêu thụ nhiều thịt rừng và các sản phẩm khác từ động vật hoang dã. Nhu cầu tiêu thụ liên tục đối với các sản phẩm này dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã trong tự nhiên tại Việt Nam bao gồm những loài ăn cỏ lớn và mang lớn đặc hữu ở dãy Trường Sơn.
Khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do WWF-Việt Nam thực hiện năm 2021 cho thấy khoảng 90% thú rừng bị săn bẫy trái phép được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, quán nhậu ở khu vực thành thị và số lần tiêu dùng thịt động vật hoang dã trung bình lên tới 7 lần/năm/khách hàng.
Những phát hiện quan trọng này đòi hỏi cần có những chương trình hành động cụ thể và quyết liệt ở các cấp, ngành để giảm tiêu thụ động vật hoang dã. Điều này cũng đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng về nguồn lực và truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm ngăn chặn và chấm dứt hành vi buôn bán động vật hoang dã và sử dụng thịt thú rừng.
Bên cạnh đó, thời gian tới cần tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về đa dạng sinh học, đẩy mạnh việc lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong quá trình hoạch định chính sách vĩ mô và đề án kỹ thuật.
Chiến dịch lần này được triển khai tại nhiều tỉnh như Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng và Quảng Bình từ tháng 3 đến tháng 5. Một loạt các sự kiện sẽ diễn ra với sự tham gia của đông đảo người dân, sinh viên các trường đại học tại địa phương.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị