Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Thông báo này được đưa ra dựa trên Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 (gọi tắt là Chương trình 1322); Thông tư số 15/2022/TT-BKHCN ngày 12/10/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030; Căn cứ Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Quy định mức chi thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 – 2030;

Kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 16/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 189/KH-SKH&CN ngày 29/01/2024 của Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang về thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2024.

Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ thông báo đến các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang về Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2024 .

Về mục đích và đối tượng áp dụng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (không bao gồm Hợp tác xã, Hộ kinh doanh) nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh Tiền Giang.

Nội dung thực hiện trong năm 2024 bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng áp dụng hệ thống quản lý như: ISO 9000, ISO 22000, ISO 14000, ISO/IEC 17025, ISO 27000, ISO 45001, ISO 22301, ISO 31000, …Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng áp dụng mô hình, công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, TPM, Lean, Six sigma, KPI, 7 QC tool, 7 Tiêu chí GTCLQG, QCC, TWI, Poka-Yoke, quản lý trực quan …

 Ảnh minh hoạ

Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng áp dụng công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh như: Lean Tools, Digital Manufacturing Toolbox, E-manufacturing, Small-scale Intelligent Manufacturing như điện toán đám mây, công nghệ di động và giám sát từ xa, CAD, CAM, CNC, robot, thực tế ảo, các ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích dữ liệu, quản lý năng suất chất lượng, … Tập huấn và đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách hỗ trợ của Kế hoạch nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong năm 2024 cho các cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp.

Về định mức hỗ trợ, hỗ trợ 100% chi phí hướng dẫn (tư vấn) doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng nhưng không quá 60 triệu đồng cho một hệ thống quản lý (hoặc hệ thống tích hợp) và không quá 30 triệu đồng cho một (hoặc một nhóm) công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

Hỗ trợ 100% chi phí áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P); thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ; năng suất xanh; tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh nhưng không quá 60 triệu đồng cho một hệ thống, tiêu chuẩn, công cụ.

Hỗ trợ 50% chi phí hướng dẫn (tư vấn), thuê, mua giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp nhưng không quá 60 triệu đồng cho một doanh nghiệp. Hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, nhưng không quá 20 triệu đồng cho chứng nhận một sản phẩm, hàng hóa (hoặc nhóm sản phẩm, hàng hóa) và không quá 30 triệu đồng cho chứng nhận hệ thống.

Phương thức tham gia, hình thức hỗ trợ: Các nội dung hỗ trợ được xây dựng, thực hiện dưới hình thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định tại Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Quy định mức chi thực Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền  Giang giai đoạn 2021 – 2030.Thời hạn cuối cùng nhận Bản đăng ký tham gia là ngày 15/3/2024 theo dấu ghi ngày công văn đến hoặc dấu bưu điện. Nơi tiếp nhận bản đăng ký là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Tiền Giang.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích