Đài Loan: Nghe thấy nhạc cổ điển là đi đổ rác
Đài Loan: Nghe thấy nhạc cổ điển là đi đổ rác
Trong cuộc sống hối hả và đầy áp lực hiện nay, việc đổ rác có thể là một công việc dễ gây khó chịu vì những âm thanh inh ỏi của tiếng kẻng, tiếng còi báo.
Tuy nhiên, ở Đài Loan, việc ra ngoài vứt rác trở nên nhẹ nhàng hơn, khi mỗi lần nghe thấy nhạc cổ điển vang lên là đi đổ rác.
Đến với Đài Loan, nhiều người sẽ có cơ hội trải nghiệm một hoạt động thu gom rác đầy bất ngờ và thú vị. Không chỉ là việc thu phí rác thông qua bán túi đựng rác sinh thái với mức giá phải chăng, mà còn là thói quen cùng hệ thống phân loại rác tại nguồn và những điều đặc biệt khác mà chính quyền cùng người dân ở đây đã thực hiện.
Ở Đài Loan, việc phân loại rác đã trở dễ dàng với tất cả người dân. Mỗi người dân đều được hướng dẫn cẩn thận về cách phân loại rác thành ba loại: rác thường (có thể bị phân hủy), rác có thể tái chế (giấy vụn, báo cũ, chai nhựa, lọ thủy tinh…) và rác thải nhà bếp (thức ăn thừa, đồ ăn quá hạn…). Điều này giúp giảm thiểu lượng rác không tái chế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế và xử lý rác thải.
Nhưng điều khiến tôi thực sự ấn tượng là âm thanh từ những chiếc xe thu gom rác. Thay vì tiếng còi kêu inh ỏi, ở Đài Loan, những chiếc xe này sử dụng những bản nhạc cổ điển nổi tiếng để nhắc nhở mọi người đổ rác. Thật thú vị khi bạn được nghe bản nhạc “Thư gửi Elise” của Beethoven từ những chiếc loa xe thu gom rác.
Không chỉ là một biện pháp nhắc nhở, âm nhạc cổ điển từ những chiếc xe rác tại Đài Loan còn tạo nên một nét độc đáo trong văn hóa đời sống của người dân nơi đây. Điều này đã tạo ra một thói quen tốt cho mọi người: Khi nghe những giai điệu quen thuộc, dễ chịu, họ biết rằng xe rác sắp đến và chuẩn bị để mang rác ra ngoài.
Đây không chỉ là một hoạt động môi trường mà còn là một phần của văn hóa sống hàng ngày của người dân. Điều này cho thấy rằng việc giáo dục và thúc đẩy thói quen bảo vệ môi trường có thể được thực hiện hiệu quả theo một cách sáng tạo và thú vị.
Việt Nam sẽ xử lý rác hiệu quả hơn, đường cống không còn bị tắc nghẽn vì rác nếu chúng ta đặt thêm nhiều thùng rác công cộng hơn. Nhưng suy nghĩ đó có thể là sai lầm, nếu người dân không có ý thức và quan trọng trên hết là trách nhiệm của Chính quyền địa phương, nhà quản lý cần phải triển khai hệ thống xử lý và tái chế rác thống nhất, hiệu quả, tiện lợi và dễ hiểu cho mọi người dân.
Trong khi chúng ta, Việt Nam vẫn đang than trách về việc rác thải bừa bãi, những anh chị lao công vẫn phải thức khuya dậy sớm để quét đi biết bao rác thải hỗn tạp, bốc mùi và tự mình phân loại trong những bịch rác nồng nặc mùi, thì ở Đài Loan, những người công nhân vệ sinh môi trường phụ trách rác đi theo những xe rác, nhẹ nhàng hướng dẫn mọi người tự đổ rác, còn người dân vào mỗi tối, lại vui vẻ mang rác ra khu tập trung, nói chuyện vui vẻ với hàng xóm láng giềng trong lúc xe đang sắp tới và bản thân họ, mỗi người cảm giác được sống trong một đô thị văn minh, có trách nhiệm và tự hào trong việc biến Đài Loan từ một Đảo rác thành một trong những nước sạch nhất Thế giới.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị