“Chất lượng nước – Những kỹ thuật mới nhất trong đảm bảo và kiểm soát chất lượng”
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Hoàng Linh, Chủ tịch Hội VinaLAB cho biết, tiếp nối thành công của hội nghị chuyên đề về ô nhiễm không khí và an toàn thực phẩm năm 2023. Hội thảo VinaLab – JAIMA 2024 là hoạt động thường niên, là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích, thử nghiệm của các nhà khoa học Việt Nam và trên thế giới.
Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng ngày Nước thế giới 22/03/2024, đồng thời là dịp để giới thiệu các thiết bị công nghệ, kỹ thuật mới nhất trong phân tích, thử nghiệm chất lượng nước tại Việt Nam và trên thế giới.
Còn theo PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc, biến đổi khí hậu và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, đặc biệt là chất lượng nước ngày càng suy giảm. Bởi vậy, việc nghiên cứu kỹ thuật mới về nước có vai trò quan trọng trong cuộc sống.
Theo đó, hội thảo và trưng bầy thiết bị và công nghệ VinaLab – JAIMA 2024 tập trung vào các vấn đề nước và môi trường hiện đang là chủ đề rất được quan tâm tại Việt Nam. Đây cũng đồng thời là cơ hội cho các nhà nghiên cứu hàng đầu từ Nhật Bản và Việt Nam, các công ty thành viên JAIMA và VinaLab thảo luận về cách phân tích công nghệ có thể góp phần vào việc quản lý và đảm bảo an toàn chất lượng nước, đồng thời tổ chức các cuộc thảo luận để giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể trong quản lý chất lượng nước sinh hoạt và nguồn nước tại các sông ngòi.
Hội thảo có sự tham gia của những chuyên gia – diễn giả, chia sẻ những kiến thức hữu ích về vấn đề thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào giám sát chất lượng nước qua các bài tham luận khoa học có giá trị thực tiễn.
Cụ thể, Tiến sĩ Hidenori Harada của Trường Cao học Đại học Kyoto (Nhật Bản) cùng các chuyên gia về vấn đề chất lượng nước tại Việt Nam, các diễn giả từ Bộ Y tế Việt Nam, Đại học Việt Nhật, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã thuyết trình về phân tích chất lượng nước, những quy định về chất lượng nước, xử lý nước, quy trình dữ liệu phân tích, vi nhựa và nhiều chủ đề khoa học có giá trị khác.
Báo cáo “Một số ứng dụng chemometrics trong xử lý và khai phá dữ liệu phân tích nước”, PGS.TS Tạ Thị Thảo, Trường Đại học khoa học Tự nhiên cho biết, việc quy định giá trị trung bình bao gồm việc thay thế tất cả các lần xuất hiện của các giá trị bị thiếu (NA) trong một biến bằng giá trị trung bình (nếu biến có phân phối Gaussian) hoặc trung vị (nếu biến có phân phối lệch) sẽ có nhiều thuận lợi, dễ thực hiện, và là một cách nhanh chóng để có được bộ dữ liệu hoàn chỉnh.
Đánh giá dữ liệu môi trường là một quá trình tốn nhiều thời gian, và Chemometrics được coi là một kỹ thuật tiềm năng, giúp nâng cao tính đặc thù của các bộ dữ liệu hóa học bằng cách sử dụng các phương pháp phân tích thống kê và toán học để phân tích dữ liệu hóa học ngoài phân tích đơn biến.
Sử dụng phương pháp hóa học để nghiên cứu dữ liệu môi trường là một ý tưởng mang tính cách mạng vì nó giúp xác định mối quan hệ giữa các nguồn gây ô nhiễm, các tác nhân môi trường và tác động của chúng đối với môi trường.
Lý do vì với sự hỗ trợ của chemometrics, khi công nghệ giám sát môi trường được cải thiện, chẳng hạn như phát hiện chất gây ô nhiễm theo thời gian thực bằng cảm biến, kích thước của tập dữ liệu ngày càng lớn thì việc sử dụng chemometrics là cần thiết.
Tuy nhiên: Các kỹ thuật hóa học được áp dụng kém sẽ dẫn đến kết quả vô nghĩa và việc thu thập dữ liệu kém cũng có thể hạn chế hiệu quả của phân tích hóa học.
Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, chất lượng nguồn nước là thước đo chất lượng cuộc sống không chỉ ở cấp độ vĩ mô như quốc tế, khu vực mà còn ở cấp địa phương như liên vùng, liên tỉnh. Nước sinh hoạt cấp cho các đô thị hiện nay chủ yếu từ nguồn nước mặt và nước ngầm.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đến tháng 6/2023, cả nước có khoảng 4.500 hệ thống công trình cho cả đô thị và nông thôn với công suất đến khoảng 11triệu m3, đang khai thác hàng ngày khoảng 8,3 triệu m3, tập trung chủ yếu là khai thác nguồn nước mặt là 87% và nước ngầm là 13%.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay biến đổi khí hậu làm suy giảm các dòng chảy, nước dưới đất và sự xâm nhập mặn vào mùa khô, kết hợp với tốc độ đô thị hóa phát triển, nước thải sinh hoạt và sản xuất đang gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động các trạm cấp nước. Để giải quyết được chất lượng nguồn nước, trước tiên phải giải quyết vấn đề môi trường, bởi môi trường trong sạch thì đầu vào nguồn nước mới được đảm bảo.
Ngoài ra, các đại biểu đã phân tích chất lượng nước, những quy định về chất lượng nước, xử lý nước, quy trình dữ liệu phân tích, vi nhựa; kiểm soát và đánh giá chất lượng nước; các kỹ thuật tiên tiến trong xử lý nước và nước thải…
Để làm rõ vai trò của chất lượng nước – Những kỹ thuật mới nhất trong kiểm soát và đánh giá chất lượng, nhóm diễn giả do ThS. Đỗ Phương Hiền, Viện sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường – Bộ Y tế cũng đã báo cáo về “Tình hình xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT và Thông tư 26/2021/TT-BYT”;
Cùng với giới thiệu chung về Thông tư 41/2018/TT-BYT và Thông tư 26/2021/TT-BYT, ThS. Đỗ Phương Hiền đã nêu lên tầm quan trọng của các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn địa phương liên quan đến quản lý chất lượng nước.
“Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh đều gặp khó khăn trong việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương vì nhiều lý do: thiếu dữ liệu đầy đủ và thông tin liên quan về chất lượng nước sinh hoạt cũng như lựa chọn các thông số phù hợp; Mới có 34/63 tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương với số lượng thông số dao động từ 28-99 thông số dựa trên số liệu sẵn có, đặc điểm và năng lực của từng tỉnh”, ThS. Đỗ Phương Hiền chia sẻ.
Báo cáo về đề tài “Nước thải chăn nuôi lợn, Thách thức hay Cơ hội”, PGS.TS Cao Thế Hà, Trung tâm Green Cycle JC và Trung tâm CETASD – Trường Đại học Việt-Nhật cho rằng: Chất thải chăn nuôi là một vấn đề lớn/nóng, góp phần đáng kể phát thải khí nhà kính, tuy nhiên nó có tiềm năng lớn về năng lượng, thu hồi phân bón, môi trường nông thôn, đồng thời góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Để làm được điều đó, chiến lược phát triển chăn nuôi của Việt Nam phải theo hướng công nghiệp tập trung, hiện đại, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường là tiền đề cho việc đầu tư ứng dụng công nghệ mới hướng tới phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các công nghệ “cũ” hay hiện đại nếu được kiểm soát tốt (đặc biệt là bùn thải) thì có thể giải quyết được vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng nói đến Kinh tế tuần hoàn và Phát triển bền vững thì cần phải có các công nghệ mới nhằm giải quyết triệt để mâu thuẫn này..
Hội thảo còn có các báo cáo về giải pháp kỹ thuật mới nhất trong Kiểm soát và đánh giá chất lượng nước, nổi bật như: “Phân tích đặc điểm hóa chất vi nhựa trong các mẫu nước” của TS. Dương Thanh Nghị, Viện Tài nguyên và Môi trường biển; “Một số kỹ thuật tiên tiến trong xử lý nước và nước thải” của TS. Trần Văn Sơn, Trường Đại học khoa học Tự nhiên; “Giải pháp hoàn chỉnh cho lấy và phân tích toàn bộ mẫu không khí môi trường xung quang và trong nhà bằng canister theo EPA Method TO-15A – Phiên bản 2019” của ông Phùng Ngọc Phúc, Công ty TNHH Tư vấn, Thương mại và Dịch vụ KHKT; “Đặc điểm phát thải khí nhà kính từ bể tự hoại nước đen ở Việt Nam” của GS.TS. Hidenori Harada, Trường Đại học Kyoto… cùng các báo cáo chuyên đề về thiết bị phân tích hóa học, thiết bị phân tích sinh học, thiết bị phân tích nhanh ngoài hiện trường.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã thăm quan các gian hàng triển lãm, trưng bày thiết bị và kỹ thuật phân tích mới nhất về lĩnh vực quản lý, xử lý nước thải do các đơn vị là Hội viên Hội VinaLab và các doanh nghiệp có liên quan trong nước, nước ngoài giới thiệu.
Theo Thử nghiệm ngày nay
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu