Hiện tượng phú dưỡng – mối đe doạ cho đa dạng sinh học biển tại Phần Lan
Hiện tượng phú dưỡng – mối đe doạ cho đa dạng sinh học biển tại Phần Lan
Hiện tượng phú dưỡng – lượng chất dinh dưỡng dư thừa từ các nguồn như nước thải nông nghiệp, lâm nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ vào biển – đã trở thành mối đe dọa chính đối với đa dạng sinh học biển.
Với đặc tính nước nông, lợ và đường bờ biển dài hơn 46.000 km, vùng biển Baltic của Phần Lan là nơi sinh sống của các sinh vật thích nghi với điều kiện môi trường độc nhất vô nhị trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết sự suy giảm về số cá thể trong các loài chủ chốt (có vai trò quyết định trong việc duy trì tính đa dạng sinh học và sự ổn định của một quần xã sinh vật trong hệ sinh thái) như tảo nâu bladder-wrack, cỏ biển eelgrass hay vẹm xanh…, là rất đáng lo ngại.
Nhà khoa học Christoffer Bostrom – đồng tác giả báo cáo trên – cho biết: “Sự đa dạng của các loài động vật không xương sống tạo thành nền tảng của mạng lưới thức ăn ở vùng nước ven biển Phần Lan tương đối thấp, khiến hệ sinh thái đặc biệt dễ bị tổn thương. Nếu một loài biến mất cục bộ, sẽ không có loài nào thay thế được chức năng của chúng”.
Thông qua việc lần đầu tiên nghiên cứu những thay đổi trong môi trường biển ở vùng duyên hải Phần Lan, các chuyên gia tại Ủy ban Thế giới Tự nhiên Phần Lan đã phát hiện 45 hình thái mất đa dạng sinh học khác nhau. Trong số này, sự biến mất cục bộ ở một số loài và sự suy giảm số cá thể ở các loài khác là hình thái mất đa dạng sinh học phổ biến nhất được ghi nhận.
Các hệ sinh thái ven biển được đánh giá là rất quan trọng do chúng cho phép cô lập carbon và chất dinh dưỡng, cũng như sản xuất oxy, đồng thời duy trì hiệu quả trữ lượng cá. Trong khi đó, tình trạng mất đa dạng sinh học tại đây tăng mạnh do một số yếu tố, chủ yếu là hiện tượng phú dưỡng và biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo trên, hiện tượng phú dưỡng – lượng chất dinh dưỡng dư thừa từ các nguồn như nước thải nông nghiệp, lâm nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ vào biển – đã trở thành mối đe dọa chính đối với đa dạng sinh học biển.
Nhà khoa học Henri Sumelius – tác giả chính của báo cáo trên – khẳng định: “Không có vùng nước ven biển nào của Phần Lan ở trong tình trạng tốt nếu xét về hiện tượng phú dưỡng”. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh vấn đề phú dưỡng đã được biết đến rộng rãi ở Phần Lan, nhưng cần phải tăng cường nỗ lực để ngăn chặn các chất có hại như phốtpho và nitơ thải ra biển. Ông Bostrom đánh giá: “Mặc dù có một số dấu hiệu phục hồi, nhưng các khu vực ven biển vẫn chưa đạt được trạng thái sinh thái tốt”.
Theo báo cáo trên, biển Baltic là một trong những vùng biển trên thế giới thay đổi nhanh nhất do biến đổi khí hậu và điều này gây thêm áp lực đối với các hệ sinh thái.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị