Đồng bằng sông Cửu Long: Đẩy mạnh nền nông nghiệp thuận thiên

Đồng bằng sông Cửu Long: Đẩy mạnh nền nông nghiệp thuận thiên

Ngày 21/3, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại khu vực ĐBSCL.

Hội nghị có sự tham gia của khoảng 300 đại biểu từ các bộ, ban, ngành 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL; các cơ quan trong nước; các tổ chức tài chính, đối tác phát triển quốc tế; các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế cùng các hiệp hội ngành hàng…

tm-img-alt
Hội nghị là hành động cụ thể của Việt Nam triển khai cam kết Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của người dân, mong muốn ĐBSCL cất cánh. Hội nghị lần này góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Người đồng bằng tự hào rằng hơn 50 năm trước đã có một nền sản xuất hàng hóa lớn. Trải qua công cuộc đổi mới, ngành nông nghiệp đã chứng tỏ sức sống của đồng bằng, vượt qua những thời khắc rất khó khăn để vươn lên. Quá trình đó, đôi khi phải trả giá bằng sự đánh đổi về môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe đất, chất lượng nước, sức khỏe của người tiêu dùng và chính những người tạo ra sản phẩm đó. Bây giờ làm sao lật ngược lại câu chuyện đó để có một hình ảnh khác về một nền nông nghiệp thuận thiên”.

tm-img-alt
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại Hội nghị.

Thông qua hội nghị lần này, người đứng đầu ngành nông nghiệp mong muốn các địa phương và đối tác cùng trăn trở về câu chuyện nông nghiệp thuận thiên. Từ đó, kích hoạt lại và lan tỏa giá trị của sản xuất thuận tự nhiên. Bộ trưởng cũng gợi mở các địa phương cần có những ý tưởng, giải pháp, mô hình tốt, để thu hút được sự chú ý của bạn bè quốc tế và các nhà tài trợ.

tm-img-alt
Thông qua Hội nghị, các đối tác quốc tế, quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Có thể nói, Hội nghị lần này là minh chứng cho những nỗ lực của ngành nông nghiệp thời gian qua, đã đi đúng quỹ đạo và có nhiều nhà tài trợ quốc tế sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam sản xuất nông nghiệp thuận thiên.

tm-img-alt
Ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chia sẻ thực trạng, đề xuất triển khai giải pháp thuận thiên vùng ĐBSCL.

Với tính chất là hội nghị để huy động nguồn lực, trước khi bàn đến vấn đề nguồn vốn, ngân sách, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiểu được giá trị của làm nông nghiệp thuận thiên và tại sao phải sản xuất nông nghiệp thuận thiên.

Qua đó, từng bước khẳng định với bạn bè và người tiêu dùng quốc tế, Việt Nam không chỉ biết cách phát triển nông nghiệp thuận thiên mà còn bảo tồn văn hóa, môi trường, xã hội của những cư dân hơn 300 năm trước đến khai phá vùng đất này.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích