Không bắt buộc đổi thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước khi còn hạn

Luật Căn cước được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024, thay thế Luật CCCD năm 2014. Luật chính thức đổi tên gọi thẻ CCCD thành thẻ Căn cước.

Điểm mới được nhiều người dân quan tâm nhất chính là việc sửa tên luật – từ Luật CCCD thành Luật Căn cước; thống nhất đổi thẻ CCCD thành thẻ Căn cước.

Theo đó, căn cước là giấy tờ tùy thân chứa các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người. Bao gồm ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng.

Không bắt buộc đổi thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước khi còn hạn
Không bắt buộc đổi thẻ CCCD sang thẻ Căn cước khi còn hạn

Điều 46 Luật Căn cước quy định, thẻ CCCCD đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi thì được cấp đổi sang thẻ Căn cước.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước cũng nêu rõ quy định về giá trị sử dụng của Chứng minh nhân dân (CMND). Theo đó, CMND còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. CMND hết hạn từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 được dùng tiếp đến hết ngày 30/6/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan Nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.

Theo Luật hiện hành chỉ cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Luật Căn cước mới quy định, đối tượng được cấp thẻ Căn cước là công dân Việt Nam; từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải làm thủ tục cấp thẻ Căn cước; công dân dưới 14 tuổi nếu có nhu cầu thì thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2024, công dân sẽ có Căn cước điện tử. Đây là Căn cước được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử. Trong đó chứa đựng thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (họ, tên, chữ đệm khai sinh; số định danh cá nhân; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo…); thông tin nhận dạng; thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói)… Thông tin được tích hợp gồm thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ khác trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

Tuấn Trần

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích