Gia tăng đột biến số ca mắc ho gà tại nhiều quốc gia

Gia tăng đột biến số ca mắc ho gà tại nhiều quốc gia

Kể từ đầu năm đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận tình trạng gia tăng các ca mắc ho gà, bệnh có khả năng lây nhiễm cao ảnh hưởng đến phổi và đường hô hấp.

Gia tăng đột biến ở nhiều quốc gia

Hãng Euronews ngày 20/3 đưa tin Séc đang phải vật lộn để ngăn chặn tình trạng gia tăng các ca mắc ho gà. Chỉ trong tuần đầu tháng 1, nước này đã ghi nhận 28 trường hợp mắc ho gà. Con số này hiện nay là 3.084 trường hợp, cao chưa từng có kể từ năm 1963. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở độ tuổi từ 15 đến 19, chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân.

Theo Bộ trưởng Y tế Séc Vlastimil Válek, tình trạng cao đột biến số ca mắc ho gà có thể là do kết hợp giữa việc các bệnh về đường hô hấp tăng khi xã hội chuyển dần khỏi các biện pháp nghiêm ngặt phòng COVID-19 và việc tiêm chủng không đầy đủ ở trẻ em.

Hà Lan cũng ghi nhận đợt bùng phát bệnh ho gà với 4 bệnh nhi đã tử vong. Viện Y tế công cộng và Môi trường Quốc gia Hà Lan (RIVM) ghi nhận 1.400 ca mắc ho gà tính từ đầu năm đến nay. RIVM kêu gọi những người bị ho hoặc sổ mũi tránh tiếp xúc với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

RIVM nhấn mạnh: “Khoảng 85% trẻ sơ sinh không được bảo vệ đầy đủ khỏi bệnh ho gà vì trẻ hoặc mẹ chưa được tiêm phòng. Tiêm chủng cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh là cách quan trọng nhất để ngăn ngừa bệnh ho gà”. Việc tiêm chủng cho thai phụ ở tuần thứ 22, sau đó là tiêm chủng cho trẻ sơ sinh, giúp ngăn ngừa mắc ho gà ở 9/10 trẻ dưới 3 tháng tuổi. Theo chương trình tiêm chủng của Hà Lan, trẻ em sẽ được tiêm ba mũi phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt. Chúng được tiêm liều tăng cường khi tròn bốn tuổi và một lần nữa sau sinh nhật thứ chín.

Tỷ lệ tiêm chủng của trẻ em ở Hà Lan đã giảm kể từ đại dịch COVID-19. Trong tháng 3, cơ quan y tế cảnh báo rằng tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em ở The Hague (La Haye) đã giảm 10% trong 4 năm. Hiện không có một quận nào ở The Hague đáp ứng tỷ lệ tiêm chủng tối thiểu 90% cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Trong khi đó, Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết khoảng 553 trường hợp mắc ho gà được ghi nhận trong tháng 1. Trong cả năm 2023, con số này là 858 trường hợp. Số ca mắc ho gà ở Anh tăng vọt khiến giới chức y tế bày tỏ quan ngại về việc sử dụng vaccine.

Các bậc cha mẹ được khuyến khích kiểm tra xem con họ đã tiêm phòng bệnh ho gà hay chưa và UKHSA nhắc nhở phụ nữ mang thai cũng nên được bảo vệ. Vaccine phòng ho gà nằm trong mũi tiêm 6 trong 1 khi trẻ được 8, 12 và 16 tuần tuổi. Số trẻ hai tuổi hoàn thành vaccine 6 trong 1 tính đến tháng 9/2023 là 92,9%, trong khi con số này ở tháng 3/2014 là 96,3%.

Kể từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Dấu hiệu nhận biết ho gà

Ho gà lây qua đường hô hấp do vi khuẩn. Bệnh nhân thường ủ bệnh từ khoảng 7 – 20 ngày. Bệnh thường khởi phát bởi triệu chứng ho nhiều, chảy nước mũi và có thể có sốt nhẹ. Sau đó, ho một loạt các cơn ho liên tục, trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, ho kéo dài dẫn tới việc trẻ nôn ọe, không ăn được, mệt mỏi, chảy nước mắt, nước mũi, kiệt sức.

Sau cơn ho, bệnh nhân xuất hiện thở rít nên người ta gọi là ho gà. Cơn ho khiến trẻ khó chịu, mất ngủ về đêm, kém ăn, bỏ ăn, gây suy dinh dưỡng và các bệnh lý khác… Bệnh ho gà có thể gây biến chứng nghiêm trọng, do ho dai dẳng, kéo dài làm cho trẻ bị kiệt sức dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não…

Trước khi có vaccine ho gà được đưa vào lưu hành năm 1958, đây là một trong những bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất ở trẻ em.

Phòng chống bệnh ho gà

Để chủ động phòng chống bệnh ho gà, tiêm vắc-xin là quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Tuy nhiên, cũng có vài ca lớn tuổi đã tiêm vắc-xin phòng ho gà đủ các mũi cơ bản nhưng vẫn bị ho gà do trẻ chưa được tiêm phòng nhắc lại.

Để chủ động phòng chống, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch: Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi. Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng. Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng. Mũi thứ 4: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Đối với trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ.

Để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh uốn ván – bạch hầu – ho gà (Tdap) trong thời gian mang thai.

Song song với đó, cần thực hiện tốt các biện pháp khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.

Các bậc phụ huynh cần phân biệt ho gà và ho thông thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Cụ thể, đối với trẻ ho do cảm lạnh, bởi nhiễm trùng đường hô hấp trên thì thường bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh, chảy mũi, ngạt mũi và ho.

Đối với trẻ mắc ho gà, các biểu hiện điển hình là trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần.

Đặc biệt, những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu ôxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.

Ho gà là một bệnh lý nguy hiểm, vì vậy, phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là tiêm phòng vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 

Khi nghi ngờ mắc bệnh ho gà hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh như: Có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài; ăn kém, nôn chớ nhiều; ngủ ít; thở nhanh/khó thở, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, xác định căn nguyên và hỗ trợ điều trị sớm.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.

Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vắc-xin phòng bệnh.

Đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh ho gà, các bệnh dự phòng bằng vắc-xin để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.

Hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch;

Đồng thời theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.

Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận trường hợp mắc bệnh, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng để chủ động ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích