Công bố Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030
Công bố Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030
Sáng 21/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi của Quy hoạch bao gồm toàn bộ phần diện tích đất liền và các huyện đảo có đông dân cư, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng như: Vân Đồn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, đây là quy hoạch rất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Nội dung bản quy hoạch mang đủ tầm của quy hoạch ngành, có nhiều quan điểm, định hướng và nội dung mới mà các quy hoạch liên quan đến thủy lợi, phòng, chống thiên tai trước đây còn thiếu, hoặc chưa đáp ứng được trong bối cảnh hiện nay và những thách thức trong tương lai.
“Đây là Quy hoạch ngành quốc gia đầu tiên được lập trên phạm vi không gian toàn quốc theo Luật Quy hoạch, được xây dựng đồng bộ cùng hệ thống quy hoạch quốc gia với tầm nhìn và định hướng dài hạn, tổng thể, giải quyết những tồn tại, thách thức liên vùng, liên tỉnh. Đó cũng là cơ sở để lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thủy lợi, phòng, chống thiên tai và quy hoạch tỉnh”.
Quy hoạch cũng đã cụ thể hóa các giải pháp thực hiện Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phục vụ mục tiêu phát triển đất nước “nhanh và bền vững”. Trong đó, nhấn mạnh đến công tác phòng, chống thiên tai và thủy lợi “chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên”.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng chỉ ra những điểm nổi bật trong Quy hoạch như: Các công trình hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai trong Quy hoạch được đề xuất có kết hợp, đồng bộ với công trình giao thông, công trình hạ tầng khác theo hướng phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Quy hoạch đã đề xuất xây dựng các công trình kết nối, điều hòa, liên kết, chuyển nước, tiến tới hình thành mạng lưới liên kết nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, liên lưu vực.
Các công trình, dự án đề xuất trong Quy hoạch đều được xem xét giải quyết những tồn tại, thách thức đối với công tác thủy lợi, phòng, chống thiên tai trong bối cảnh hiện nay và tầm nhìn đến năm 2050 như: an ninh nguồn nước quốc gia; biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan; ứng phó với các hoạt động phát triển thượng nguồn làm cho hạ nguồn bị thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô; suy giảm phù sa, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân…
Ưu tiên các giải pháp ứng dụng công nghệ số, hạ tầng quản trị số, khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh vào chỉ đạo, điều hành, quản lý, khai thác, vận hành hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai. Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo lũ, lũ quét, úng, ngập, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở để đạt được các mục tiêu của Quy hoạch, phụ vụ sản xuất, dân sinh và phát triển kinh tế xã hội.
Các công trình, dự án đề xuất trong quy hoạch chú trọng đến bảo vệ môi trường, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm; bảo vệ môi trường nước, kiểm soát chất lượng nước, quản lý ô nhiễm nguồn nước trong các hê thống công trình thủy lợi.
Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi đặt mục tiêu bảo đảm tưới, cấp nước, tiêu, thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế; nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững, bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển của các quốc gia thượng nguồn.
Theo đó, đến năm 2030 sẽ tưới, cấp nước cho 3,2 triệu ha lúa; 70% – 90% diện tích cây trồng cạn, cây ăn quả, cây công nghiệp và rau màu; cấp đủ nước cho khoảng 10,5 triệu con gia súc, gia cầm… Cấp đủ nước cho sinh hoạt nông thôn, chăn nuôi, thủy sản tập trung; tạo nguồn cấp cho đô thị, công nghiệp và nhu cầu khác.
Đồng thời, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi và chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước. Bên cạnh đó, thực hiện nâng cấp 8 hồ chứa lớn với tổng dung tích tăng thêm 360 triệu m3 ở khu vực Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ.
Quy hoạch cũng nêu rõ những giải pháp để nâng cao năng lực phòng chống lũ quét, sạt lở đất và các loại hình thiên tai khác như: nâng cấp các hệ thống đê sông; nạo vét, cải tạo cửa sông; củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế đê biển hiện hành; xây dựng, củng cố hệ thống công trình phòng chống xói lở bờ biển để bảo vệ lãnh thổ…
Các dự án ưu tiên cũng được phân kỳ theo 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư 489.000 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2030 sẽ ưu tiên xây dựng mới các hồ chứa nước lớn; nâng cao dung tích hồ chứa lớn đã có. Nâng cấp các hệ thống thủy lớn do Bộ NN-PTNT quản lý và một số hệ thống lớn, quan trọng khác. Đồng thời, xây dựng các công trình khắc phục hạ thấp mực nước trên lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả; nâng cấp đê sông, đê biển và các công trình phòng, chống thiên tai.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị