Hệ thống năng lượng tái tạo trên toàn cầu tăng gấp đôi trong năm 2023
Hệ thống năng lượng tái tạo trên toàn cầu tăng gấp đôi trong năm 2023
Năm 2023, thế giới đã lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo với công suất kỷ lục 473 gigawatt (GW), tuy nhiên, vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đạt con số mục tiêu 1.000 GW/năm vào năm 2030.
Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin (BETD) lần thứ 10 mới đây đã được khai mạc tại thủ đô Berlin, Đức. Đây là cuộc đối thoại chuyên đề quan trọng trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
Với phương châm “thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu,” trong hai ngày diễn ra sự kiện, BETD sẽ thảo luận về các giải pháp cụ thể cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, cũng như các chiến lược cần thiết để tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo như mục tiêu đặt ra tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28).
Theo báo cáo đặc biệt về theo dõi kết quả Hội nghị COP28 do Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) trình bày tại đối thoại BETD, bất chấp sự mở rộng kỷ lục trên phạm vi toàn cầu của tất cả các nguồn năng lượng tái tạo, thế giới vẫn chưa đi đúng lộ trình mở rộng năng lượng tái tạo cần thiết.
Năm 2023, thế giới đã lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo với công suất kỷ lục 473 gigawatt (GW). Tuy nhiên, mục tiêu hiện nay là công suất năng lượng tái tạo đạt 1.000 GW/năm đến năm 2030. Thực tế hiện tại cho thấy mục tiêu này rất tham vọng.
Phát biển tại đối thoại BETD, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết năm ngoái, thế giới đã lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo nhiều hơn 50% so với năm 2022.
Hội nghị COP28 vừa qua ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất) cũng thể hiện rõ rằng thời đại nhiên liệu hóa thạch sắp kết thúc.
Hiện tại, chỉ riêng châu Phi đã có khoảng 600 triệu người vẫn chưa được sử dụng điện. Để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, thế giới thực sự cần một sự bùng nổ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch.
Ngoại trưởng Đức cho rằng tại cuộc đối thoại này, các nước xích lại gần nhau hơn vì mong muốn học hỏi lẫn nhau.
Uruguay hiện có thể sản xuất 98% điện năng từ năng lượng tái tạo. Oman đang xây dựng một số dự án năng lượng mặt trời lớn để cung cấp điện cho hàng chục nghìn hộ gia đình.
Một trong những nhà máy sản xuất amoniac xanh lớn nhất thế giới đang được xây dựng ở Namibia, giúp thúc đẩy hơn quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hydro xanh.
Ngoại trưởng Baerbock nhấn mạnh đã đến lúc thế giới phải loại bỏ nhiên liệu hóa thạch để giải phóng tiềm năng kinh tế của năng lượng tái tạo.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck cho rằng đối thoại BETD vẫn là điểm gặp gỡ trung tâm của quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Kể từ cuộc đối thoại đầu tiên năm 2015, quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đã đạt được những tiến bộ vượt bậc.
Nước Đức cũng nỗ lực trong quá trình này. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung cấp điện của Đức tăng hơn 50% trong thời gian qua. Và Đức đang tiếp tục tăng tốc với mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 80% vào năm 2030.
Theo Bộ trưởng Habeck, với các mục tiêu toàn cầu về năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, tại hội nghị COP28, cộng đồng quốc tế đã đặt ra tham vọng lớn cho những năm tới.
Thế giới có thể thực hiện thành công các mục tiêu này vào năm 2030 nếu hợp tác quốc tế được tăng cường và mỗi quốc gia đóng góp những thế mạnh và bí quyết riêng của họ.
Nước Đức đang tích cực thúc đẩy sự hợp tác trong quan hệ đối tác song phương về khí hậu, năng lượng và nguồn nước với hơn 30 quốc gia khác.
Đối thoại BETD là một trong những diễn đàn quốc tế lớn đầu tiên sau Hội nghị COP28.
Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin đã diễn ra từ năm 2015 theo lời mời của Chính phủ Đức. Các cuộc đối thoại trước đều thu hút sự quan tâm lớn của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong cuộc đối thoại lần này, ban tổ chức dự kiến có sự tham dự của các bộ trưởng và phái đoàn cấp cao từ hơn 75 quốc gia, cũng như đại diện doanh nghiệp và giới khoa học với tổng cộng khoảng hơn 2.000 khách./.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị