“Yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
(Xây dựng) – Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố, trong điều kiện miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn” là dịp để một lần nữa khẳng định nguyên tắc nhất quán lấy “dân là gốc”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TS. Nguyễn Quốc Đoàn – Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Theo đó, ngày 19/3, Tỉnh ủy Lạng Sơn phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố, trong điều kiện miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn nhấn mạnh: Trong các nghị quyết của Đảng, luôn quán triệt tư tưởng “Dân là gốc, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện hoạt động ở thôn, tổ dân phố, nơi gần dân nhất, sát dân nhất, trực tiếp tổ chức thực hiện mọi công việc đã trở thành một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội và các lực lượng tham gia công tác tại cơ sở; là chìa khóa góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Từ thực tiễn cũng cho thấy, để giành được những kết quả về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh thì lực lượng tham gia công việc tại thôn, tổ dân phố đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc huy động, tổ chức, tập hợp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lực lượng làm công tác tại cơ sở còn hạn chế về chất lượng trong khi khối lượng công việc thường rất lớn, nên nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chính sách và cơ chế để hỗ trợ, phát huy cho lực lượng này còn thiếu, có nhiều bất cập, chưa thống nhất nên chưa đủ sức động viên, khuyến khích họ…
Nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của các tổ chức, các lực lượng tham gia công tác tại cơ sở, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã chỉ đạo quyết liệt, phối hợp cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu tổng thể tới 100% thôn, tổ dân phố của tỉnh để đánh giá thực trạng, nhận diện một cách khách quan các vấn đề, khó khăn đang đặt ra.
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo. |
Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn nhấn mạnh: Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu này, hội thảo là dịp để một lần nữa chúng ta khẳng định nguyên tắc nhất quán dựa vào dân, lấy “dân là gốc”, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe 12 bài tham luận trong tổng số 126 bài đã gửi về Ban tổ chức Hội thảo. Các nhà khoa học, đại biểu đã tập trung làm rõ hơn một số nội dung chủ yếu như: Những vấn đề lý luận của việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; làm rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng không thể thiếu của lực lượng này trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; vai trò trực tiếp thường xuyên gắn bó mật thiết với dân, huy động, tổ chức, tập hợp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn; cơ sở chính trị, pháp lý và kinh nghiệm của các địa phương và một số nước, đặc biệt là Trung Quốc; đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố…
Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Các tham luận tại Hội thảo đã làm nổi bật vị trí, vai trò của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu, không thể thay thế của thôn, tổ dân phố – nơi lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, đến với từng người dân; vị trí, vai trò của thôn, tổ dân phố trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, làm sâu sắc tính tất yếu phải nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố các địa phương miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Lạng Sơn hiện nay.
Các bài phát biểu cũng đã nêu bật những kinh nghiệm phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với hoạt động của thôn, tổ dân phố; kinh nghiệm kiện toàn các chức danh hoạt động không chuyên trách và lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; kinh nghiệm trong công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở cơ sở; kinh nghiệm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh ở cơ sở; kinh nghiệm phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thế mạnh con người… Đây là những kinh nghiệm thực tiễn quý, những cách làm hay, sáng tạo và gợi mở nhiều hàm ý chính sách để Lạng Sơn có thể chọn lọc để xây dựng chủ trương, chính sách và cách làm phù hợp với đặc thù của tỉnh.
Nguồn: Báo xây dựng