Nâng tầm Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” thành Chương trình truyền thông

Sáng 20/3, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức Lễ khởi động Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024.

Lý giải việc nâng cấp cuộc thi trở thành một Chương trình truyền thông, Ban tổ chức cho biết, Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 hướng tới các hoạt động gợi mở và mới mẻ hơn so với 3 cuộc thi trước.

Nâng tầm Cuộc thi
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học phát biểu tại buổi lễ.

Lần đầu tiên Ban tổ chức phân chia hệ thống giải thưởng cho các tác giả chuyên và không chuyên với tổng giá trị giải thưởng 235 triệu đồng; mở chuyên mục tư vấn pháp lý dành cho các đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số gồm những tình huống pháp lý gắn với quyền và lợi ích của người yếu thế (người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em…), với sự tư vấn, trả lời của các chuyên gia.

Chương trình mở ra các chuỗi sự kiện hướng tới sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ban tổ chức sẽ mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các sinh viên của Học viện để các em có được 1 tác phẩm báo chí hay, sát thực tế. Các lớp tập huấn về cách lựa chọn đề tài an sinh xã hội; bồi dưỡng kỹ năng dựng tác phẩm Podcast với chủ đề an sinh xã hội và sau đó, tổ chức cuộc thi hùng biện trên sân khấu cho các sinh viên liên quan đến tác phẩm.

Ban tổ chức cũng tăng cường các chuyến đi, thực tế hoá những mục tiêu của chương trình, dự kiến sẽ tổ chức chuyến đi thực tế tại làng nghề, và chuyến đi thực tế tại một xã vùng cao của huyện Ba Vì hoặc huyện Sóc Sơn, Hà Nội với sự góp mặt của các chuyên gia pháp lý để tư vấn pháp lý miễn phí về các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội… cho lao động nữ, đồng bào dân tộc thiểu số với mục đích, nâng cao hiểu biết pháp luật của họ về vấn đề này. Đồng thời tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm về những vấn đề thời sự như góp ý sửa đổi Luật bảo hiểm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề…

Nâng tầm Cuộc thi
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại buổi lễ.

Năm 2024, Ban tổ chức tiếp tục chú trọng đến việc thu hút các tác giả chuyên và không chuyên tham gia Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” nhằm mục tiêu: Nâng cao nhận thức của các bên về những khó khăn mà lao động nữ phải đối mặt, những vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, lạm phát kinh tế, hội nhập khu vực và quốc tế, biến đổi khí hậu, cơ hội và thách thức của nền kinh tế số tạo ra; tôn vinh những sáng kiến, những cống hiến thầm lặng vì cộng đồng của các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ lao động nữ, lao động phi chính thức, nhóm người yếu thế; nâng cao hiểu biết của các bên liên quan, bao gồm người lao động (nhất là lao động nữ), người sử dụng lao động, cộng đồng về những thách thức trong thực hiện việc làm thỏa đáng ở khu vực chính thức và phi chính thức trong điều kiện phát triển kinh tế chưa đồng đều giữa các khu vực.

Cuộc thi khuyến khích các bài dự thi bàn về nội dung chính sách an sinh xã hội, chế độ bảo hiểm cho lao động nữ ở cả lĩnh vực chính thức và phi chính thức; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến chỗ ở, sinh kế của người lao động, cơ hội và thách thức của nền kinh tế số sẽ tạo ra cho các lao động nữ đặc biệt là các lao động có tay nghề chưa cao hiện nay.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” cho biết: Ban tổ chức khuyến khích sự tham gia của giới trẻ cho loại hình báo chí số; mở rộng, kêu gọi sự tham gia của thể loại Podcast, tập huấn cho sinh viên làm Podcast theo các chủ đề về vấn đề an sinh xã hội…

Nâng tầm cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng" thành Chương trình truyền thông
Đại diện Ban tổ chức cung cấp thông tin về Chương trình tới báo chí.

Trong năm 2024 sẽ diễn ra nhiều hoạt động thời sự của kinh tế – xã hội của đất nước như: Quốc hội tiếp tục bàn về việc xây dựng và ban hành Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024…

“Ban tổ chức mong muốn các hoạt động của Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” sẽ đồng hành, tham góp các ý kiến thiết thực vào quá trình sửa đổi các Luật này; với mong muốn Luật đưa ra những quy định thiết thực và hữu hiệu bảo vệ quyền lợi của người lao động; các vấn đề còn vướng mắc từ thực tế cũng sẽ là đề tài thu hút các nhà báo, các cây bút thực hiện chủ đề cho cuộc thi lần này.

Ban tổ chức cũng mong muốn tạo ra các bài viết bảo vệ quyền cho lao động nữ đi theo xu hướng phát triển của báo chí số hiện nay, nhằm giúp công tác truyền thông sẽ lan tỏa sâu rộng hơn đến nhiều đối tượng”, ông Nguyễn Thành Lợi bày tỏ.

Nâng tầm cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng" thành Chương trình truyền thông
Các phóng viên, nhà báo nêu câu hỏi tìm hiểu thông tin về Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng”

Tại buổi lễ, Nhà báo Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV, Phó Trưởng Ban tổ cuộc thi cũng chia sẻ: Từ thành công của cuộc thi năm 2021, 2022, 2023, năm nay (năm 2024), Ban tổ chức quyết định phát triển Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” thành chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024.

Đây chính là lời hứa đồng hành mạnh mẽ từ Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam, về hỗ trợ những người lao động – nhất là lao động nữ, người sử dụng lao động, cộng đồng và cơ quan xây dựng chính sách Nhà nước, có những góc nhìn đầy đủ hơn về những thách thức trong thực hiện việc làm thỏa đáng ở khu vực chính thức và phi chính thức khi điều kiện phát triển kinh tế chưa đồng đều tại các khu vực của Việt Nam.

Nhà báo Tạ Việt Anh bày tỏ: “Tôi tin tưởng rằng, với nhiều sự kiện, hoạt động mới, thiết thực, Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 sẽ lan toả mạnh mẽ hơn nữa thông điệp cuộc thi, tăng thêm uy tín, sự nhân văn mà Ban tổ chức mong muốn hướng tới”.

Nâng tầm cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng" thành Chương trình truyền thông
Toàn cảnh buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Phạm Thanh Học đánh giá cao việc nâng tầm Cuộc thi trở thành chương trình truyền thông. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học cho rằng: Từ thành công của 3 mùa đã khẳng định tính chất nhân văn, giàu ý nghĩa và giúp cho Cuộc thi này được lan tỏa và có hiệu quả cao.

Năm 2024, bình diện chung của đất nước và Thủ đô phát triển, nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, điều này tác động không nhỏ đến người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Ông Phạm Thanh Học mong muốn, chương trình sẽ nâng cao hiểu biết của các bên liên quan, bao gồm người lao động, nhất là lao động nữ, người sử dụng lao động, cộng đồng về những thách thức trong thực hiện việc làm thỏa đáng ở khu vực chính thức và phi chính thức trong điều kiện phát triển kinh tế chưa đồng đều giữa các khu vực.

“Xã hội còn rất nhiều người đem lại những giá trị nhân văn cho cộng đồng nhưng ít được tuyên truyền. Tôi mong rằng, thông qua chương trình sẽ lan tỏa được tấm gương tốt, đem lại những điều tích cực, tốt đẹp cho cộng đồng” – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.

Sau Lễ khởi động Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng”, hệ thống mail [email protected] chính thức được mở để nhận bài dự thi của các tác giả. Thời gian nhận bài dự thi sẽ kết thúc vào 17h ngày 30/10/2024. Ban tổ chức sẽ tổ chức chấm sơ khảo và chung khảo để chọn ra 22 tác phẩm đạt điểm cao nhất của các tác giả chuyên nghiệp và 12 tác phẩm đạt điểm cao nhất của tác giả không chuyên để trao giải cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng sẽ lựa chọn 2 tập thể chuyên nghiệp và không chuyên để trao giải Tập thể có nhiều đóng góp nhất cho cuộc thi.

Dự kiến, Lễ tổng kết trao giải sẽ diễn ra vào tháng 11/2024 tại Hà Nội. Các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình truyền thông cũng đồng thời khởi động ngay sau buổi Lễ.

P.Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích