Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
Ngoài 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, nước ta ghi nhận nhiều ca bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu. Đây đều là các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan
Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.
Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi.
Hiện nay, tại khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết gió lạnh, mưa ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển, lây lan và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bên cạnh đó, việc gián đoạn trong cung ứng các vắc-xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin trên toàn quốc; nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc-xin là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.
Thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.
Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vắc-xin phòng bệnh.
Đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh ho gà, các bệnh dự phòng bằng vắc-xin để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.
Hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch;
Đồng thời theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.
Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận trường hợp mắc bệnh, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng để chủ động ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin.
Theo các chuyên gia y tế, ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên, bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Ho gà lây lan cao hơn cả cảm cúm, một người có thể lây cho 12-17 người. Trẻ em chưa được tiêm chủng vắc-xin ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng.
Đáng lưu ý, ho gà nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng viêm phổi. Đây là nguyên nhân tử vong thường gặp nhất.
Ngoài ra các biến chứng thường gặp khác là biến chứng thần kinh và một số cơ quan khác như viêm phế quản, ngừng thở, sa trực tràng, thoát vị trực tràng, vỡ phế nang, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi và viêm não.
Do đó, các chuyên gia lưu ý, cần phân biệt ho gà và ho thông thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Cụ thể, đối với trẻ ho do cảm lạnh, bởi nhiễm trùng đường hô hấp trên thì thường bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh, chảy mũi, ngạt mũi và ho.
Đối với trẻ mắc ho gà, các biểu hiện điển hình là trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần.
Đặc biệt, những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu ôxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
Ho gà là một bệnh lý nguy hiểm, vì vậy, phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là tiêm phòng vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Khi nghi ngờ mắc bệnh ho gà hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh như: Có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài; ăn kém, nôn chớ nhiều; ngủ ít; thở nhanh/khó thở, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, xác định căn nguyên và hỗ trợ điều trị sớm.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị