Bán lẻ Hà Nội cần thêm thời gian
Theo giới quan sát thị trường, phân khúc này cần thêm thời gian để có thể phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ngày 23/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội, bắt đầu từ 24/7 và kết thúc vào ngày 21/9.
Nhìn chung, việc thành phố khẩn trương tiến hành chiến dịch tiêm chủng trong thời gian giãn cách đã phần nào mở ra triển vọng phục hồi cho thị trường bán lẻ tại thời điểm cuối quý III.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, thị trường bán lẻ ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có sự phục hồi đáng kể.
Báo cáo tiêu điểm thị trường quý III/2021 của CBRE cho biết, về nguồn cung, thị trường Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động trong quý.
Diện tích sàn bán lẻ cho thuê không đổi ở mức hơn một triệu mét vuông. Việc các dự án bán lẻ hoãn lại thời điểm khai trương do dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng tới nguồn cung năm nay.
Về hoạt động thị trường, ngành bán lẻ đã bị ảnh hưởng đáng kể khi các trung tâm thương mại, bán lẻ phải tạm đóng cửa trong hai tháng vừa qua để đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch.
Cụ thể, giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một (không bao gồm thuế GTGT và phí dịch vụ) tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm tiếp tục giảm do một số dự án có tỷ lệ trống cao giảm giá để giữ chân khách thuê, cũng như hỗ trợ các khách thuê do tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm đạt 24 USD/m2/tháng, giảm 4% theo quý và giảm 4% theo năm.
Về tỷ lệ trống, mặc dù thành phố vẫn ghi nhận một số cửa hàng mới trong quý, tỷ lệ trống các khu vực này vẫn ở mức cao tại 15%, tăng 0,4 điểm phần trăm theo quý và tăng 3,8 điểm phần trăm theo năm.
Một số trung tâm thương mại tại khu vực Long Biên và xa trung tâm hơn như Nam Từ Liêm, Hà Đông tiếp tục ghi nhận tỷ lệ trống cao từ 35 – 45%.
Tại khu vực trung tâm, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một cũng trong xu hướng giảm theo quý, đạt 103 USD/m2/tháng, giảm 1% theo quý và tăng 4% theo năm.
Đứng trước diễn biến kéo dài của dịch bệnh, cả chủ đầu tư lẫn khách thuê đều chủ động điều chỉnh để thích ứng với tình hình.
Một số chủ đầu tư lớn đều đã triển khai những chính sách hỗ trợ khách thuê như miễn phí hoàn toàn tiền thuê trong thời gian trung tâm thương mại đóng cửa, hay đối với các khách thuê bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh.
Đối với khách thuê mới, giá thuê cũng sẽ được thỏa thuận để phù hợp với tình hình thực tế. Một số chủ đầu tư cũng thực hiện tái cơ cấu chức năng của tòa nhà để tối ưu hơn như giảm thiểu diện tích bán lẻ trống sang cho thuê văn phòng.
Bên cạnh đó, các nhãn hàng cũng tích cực phát triển mô hình bán hàng đa kênh để đảm bảo nguồn doanh thu trên các sàn thương mại, mạng xã hội, ứng dụng mua sắm.
Một số nhãn hàng bên ngoài trung tâm thương mại cũng tận dụng thời gian đóng cửa để nâng cấp cửa hàng, không gian mua sắm, chính sách khuyến mại để đón chào khách hàng mua sắm trở lại.
Về khách thuê, thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý vừa qua chứng kiến sự mở rộng của một số ít các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm. Tuy nhiên, một số nhãn hiệu dự kiến mở cửa trong quý cũng đã rời thời gian khai trương sang các quý tới.
Theo dự báo của CBRE, trong quý cuối năm 2021, thị trường bán lẻ Hà Nội dự kiến chào đón 49.000m2 diện tích mặt bằng bán lẻ mới với dự án Vincom Mega Mall Smart City.
Mặc dù các dự án bán lẻ hầu hết đã hoãn lại thời điểm khai trương trong năm nay, nhưng dự kiến sẽ có khoảng 300.000m2 gia nhập thị trường trong các năm 2022 – 2024. Các dự án mới này vẫn tập trung tại khu vực ngoài trung tâm.
Cư dân ở phía Bắc và Nam thành phố và các khu vực lân cận sẽ có thêm các lựa chọn để mua sắm và sử dụng dịch vụ khi hai dự án với quy mô lớn là Lotte Mall Hà Nội và Aeon Mall Hoàng Mai hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội, cho biết trong tương lai, các dự án mới, cùng với sự mở rộng, gia nhập của các nhãn hàng hứa hẹn sẽ cải thiện thị trường bán lẻ, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát.
Các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng, quan trọng hơn cả là tốc độ tiêm chủng cho 70 – 75% dân số, dự kiến đạt mục tiêu trong quý II/2022, mang lại triển vọng cho sự phục hồi của thị trường bán lẻ.
“Tuy nhiên, vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa để thị trường quay trở lại như thời điểm trước khi dịch bệnh diễn ra”, bà An nhận định.