Giải quyết sớm bài toán quỹ đất mới xây được nhà ở cho công nhân
Vấn đề nhà ở cho công nhân cần phải sớm tháo gỡ hai nút thắt lớn nhất hiện nay, đó là vốn và quỹ đất sạch.
Thiếu quỹ đất để triển khai dự án nhà ở cho công nhân. Ảnh: Quang Duy |
Nhu cầu lớn, nguồn cung ít
Tại TPHCM, dù đã và đang thực hiện 34 dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, với hơn 5.500 phòng, nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Theo một báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TPHCM, từ cuối năm 2019 đến nay, địa bàn đang triển khai 15 dự án nhà lưu trú cho công nhân, tương đương 47ha.
Quỹ đất này có được là nhờ các doanh nghiệp đã nỗ lực tự tạo quỹ đất riêng cho mình. Trong 15 dự án này, có đến 6 dự án đang trong giai đoạn bồi thường và giải phóng mặt bằng – vấn đề cực kì khó khăn với các doanh nghiệp. Các dự án còn lại vẫn đang thực hiện các thủ tục để đầu tư.
Mới đây, Thanh tra TP.HCM công bố kết quả thanh tra liên quan đến việc điều tiết nhà ở xã hội của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, có 17/26 trong tờ trình của Sở Xây dựng ghi nhận chủ đầu tư thực hiện điều tiết nhà ở xã hội theo quy định pháp luật, nhưng chưa xác định cụ thể phải thực hiện theo hình thức nào. Do vậy, đa số các chủ đầu tư nhà ở thương mại, khu công nghiệp chọn phương án nộp tiền, thay vì trích 20% quỹ đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu quỹ đất (20%) để xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn (đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I).
Trong khi đó, hiện đang tồn tại thực trạng đáng buồn tại nhiều khu công nghiệp không bố trí đất xây nhà cho công nhân, thậm chí còn cắt đất xây dựng nhà xưởng cho thuê. Có những khu công nghiệp có quy hoạch đất làm nhà cho công nhân hay nhà ở cho chuyên gia, nhưng chỉ sau một thời gian đã “hô biến” thành các dự án bất động sản thương mại hoặc phân lô bán nền.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp chỉ đơn thuần là san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư tới đầu tư, chưa quan tâm đúng mức vấn đề phát triển nhà ở, ổn định an sinh xã hội cho công nhân.
Giải quyết bài toán quỹ đất
Theo các chuyên gia, để phát triển nhà ở cho công nhân thì phải sớm tháo gỡ 2 nút thắt lớn nhất hiện nay, đó là vốn và quỹ đất sạch. Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM (Hepza) cho rằng, quỹ đất phục vụ nhà ở công nhân phải nằm ngoài khu công nghiệp, nên đòi hỏi nhà quy hoạch phải có kế hoạch sử dụng quỹ đất ngay từ khi bắt đầu xây dựng khu công nghiệp.
Để giải quyết vấn đề tạo quỹ đất cho việc xây nhà ở cho công nhân, mới đây Phó chủ tịch TP.HCM ông Lê Hòa Bình có chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) rà soát, thống kê quỹ đất nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại.
UBND Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư dự án khẩn trương triển khai thực hiện, trường hợp không đầu tư xây dựng phải bàn giao lại cho Nhà nước quản lý để tổ chức thực hiện, tránh lãng phí quỹ đất này và hoàn thành trước ngày 15.10.2021.
Trước mắt, Sở TTNMT sẽ phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) và UBND huyện Bình Chánh cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc khu đất tái định cư 15ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh chương trình này, các chuyên gia cũng ý kiến thêm rằng bên cạnh quỹ đất, các sở, ngành địa phương cũng cần tích cực hỗ trợ đồng bộ về vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Bởi lâu nay đây là một chướng ngại lớn. Thời gian qua, nhiều quy định liên quan tới phát triển khu công nghiệp đã được đổi mới và luật hoá, nhưng chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp vẫn chưa có tiến triển, thủ tục và quy trình xây dựng còn rất nhiêu khê do bị chi phối bởi pháp luật liên quan về nhà ở, ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết.
Nguồn: Báo xây dựng