Tận dụng cơ hội xuất khẩu rau quả sang thị trường ASEAN
ASEAN là thị trường rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2024, Việt Nam xuất khẩu rau quả đạt 325,7 triệu USD, mặc dù tăng nhẹ 1,4% so với mức 321 triệu USD ghi nhận cùng kỳ năm 2023 nhưng giảm tới 33% so với kết quả ghi nhận trong tháng 1/2024. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 561,6 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý trong tháng 2/2024, thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, tăng trưởng 8,4%, góp phần đưa kim ngạch thu được từ thị trường này lên mức 195 triệu USD. Với kết quả này, Trung Quốc chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam, chiếm 61,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Tiếp đó là Hàn Quốc với 19,2 triệu USD, tăng 13,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Kế đến là Mỹ với 17,1 triệu USD, giảm 8,8%; Nhật Bản đạt 10,19 triệu USD, giảm 14,9%…
Cụ thể trong tháng 2/2024, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang 6 thị trường thuộc khối ASEAN với tổng trị giá 19,31 triệu USD, giảm 13% so với mức 22,2 triệu USD ghi nhận cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Thái Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 9,82 triệu USD, tương ứng chiếm 50,8% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang khối ASEAN.
Malaysia là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ hai trong khối với 4,11 triệu USD; kế đến là Singapore với 2,75 triệu USD; Campuchia với 1,19 triệu USD; Lào với 1,09 triệu USD và Indonesia với 0,35 triệu USD.
Trong khối ASEAN, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan ghi nhận tăng 18,7%, sang Campuchia tăng 22,6%. Ngược lại, trị giá xuất khẩu rau quả sang Lào giảm tới 67%, sang Indonesia giảm 44% và Malaysia giảm 30% so với cùng kỳ.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 297,7 triệu USD rau quả sang ASEAN, tập trung vào 4 thị trường chính là Thái Lan, Malaysia, Singapore và Lào. Đây là thị trường gần, Việt Nam có lợi thế về chi phí logistics và thuế suất nhập khẩu chỉ từ 0 – 5% trong khi một số thị trường khác áp dụng mức thuế 30 – 40%.
Ngoài ra, thị trường ASEAN cũng không đòi hỏi cao về điều kiện kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, phù hợp để doanh nghiệp thử nghiệm xuất khẩu trước khi mở rộng ra các thị trường xa hơn.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, con số xuất khẩu này còn khiêm tốn so với thị trường ASEAN đang có hơn 690 triệu dân, lẽ ra kim ngạch xuất khẩu rau quả vào thị trường nội khối phải được tính bằng giá trị tỷ USD.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Công Thương, ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng Việt Nam đang có nhiều lợi thế thúc đẩy xuất khẩu rau quả nói chung. Theo đó, để khai thác hiệu quả dư địa thị trường xuất khẩu nói chung, khối thị trường ASEAN nói riêng, ông Lê Thanh Hòa khuyến nghị các ngành hàng cần có phương án tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành tốt với từng loại rau quả phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
Tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt đảm bảo giám sát các mối nguy mất an toàn thực phẩm từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế. Song song đó, phải xây dựng chuỗi liên kết, tổ chức sản xuất gắn thương mại và chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm rau quả.
Triển vọng xuất khẩu rau quả trong năm 2024
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, kết quả tích cực trong tháng đầu năm là tín hiệu tốt cho ngành hàng rau quả trong năm 2024 có thể đạt kế hoạch đặt ra khoảng 6 tỷ đến 6,5 tỷ USD.
“Đây là nỗ lực chung của nông dân sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu và của các bộ, ban, ngành của Chính phủ. Năm 2024 có nhiều hứa hẹn, những tín hiệu năm nay chúng ta sẽ có kỷ lục mới so với năm 2023. Thứ nhất, sản lượng sầu riêng của Việt Nam mỗi năm tăng 15-20%, năm 2023 là 2,2 tỷ USD, nếu có đông lạnh cộng với số lượng tăng của mã số vùng trồng nhiều hơn thì kim ngạch sầu riêng sẽ từ 3-3,5 tỷ USD. Cộng với các mặt hàng khác hơn 3 tỷ thì tôi tin chắc năm 2024 con số 6,5 tỷ USD sẽ đạt được”.
Hiện, trái cây Việt Nam đang có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế của trái cây Việt Nam, điều này mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành rau quả.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài mặt hàng xuất khẩu về rau quả tăng trưởng nói riêng thì các mặt hàng xuất khẩu nông sản nói chung đều đang tăng tốc, báo hiệu một năm khả quan. Ngoài thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định, Mỹ, Nhật Bản, EU là thị trường trọng điểm. Tới đây, Bộ sẽ thúc đẩy mở cửa các thị trường mới còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halen, Trung Đông, Châu Phi.
Triển vọng phục hồi sản xuất, xuất khẩu
Trên 59 tỷ USD là giá trị kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm, tăng trên 19% nhờ tín hiệu xuất khẩu sang các thị trường chính khởi sắc.
Đặc biệt, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu trên 4,7 tỷ USD, mức cao nhất cùng kỳ 10 năm. Điều này cho thấy động lực tăng trưởng sản xuất ở cả 3 khu vực nông lâm thuỷ sản, công nghiệp xây dựng và dịch vụ.
Theo Bộ Công Thương, xuất siêu của nền kinh tế cao ở thời điểm hiện tại đang cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu và các giải pháp tháo gỡ của Chính phủ cũng có tác động không nhỏ.
Trao đổi với VTV ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: “Chúng ta đang xuất siêu cao nhất là thị trường Hoa Kỳ, sau đó là EU, có những thị trường trước đây chúng ta vẫn thường xuyên nhập siêu thì 2 tháng vừa qua chúng ta cũng có xuất siêu như Nhật Bản”.
Xuất siêu cao nhất trong 2 tháng đầu năm cũng góp phần tạo ổn định vĩ mô thông qua gia tăng nguồn lực ngoại tệ trong bối cảnh giá trị USD tăng, tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát.
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu