Linh hoạt ứng biến với thị trường gạo để phát triển bền vững

Giá gạo biến động

Giá lúa gạo hôm nay ngày 10/3 tại Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động. Trong tuần qua, giá lúa gạo các loại đồng loạt tăng 100-300 đồng/kg, theo số liệu trên báo Quân Đội Nhân Dân.

Trên thị trường lúa, ghi nhận tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cần Thơ, Tiền Giang… bình quân giá lúa tươi mua tại ruộng ở mức 7.300-8.200 đồng/kg.

Cụ thể, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh An Giang, lúa IR 504 ở mức 7.300-7.500 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 7.400-7.500 đồng/kg; lúa nếp tươi Long An dao động quanh mốc 7.800-8.000 đồng/kg; lúa nếp 3 tháng tươi ở mức 7.900-8.200 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 7.800-8.000 đồng/kg; lúa Nàng hoa 9 dao động 7.500-7.700 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.600-7.800 đồng/kg; lúa Nhật 7.800-8.000 đồng/kg.

Đặc biệt trong tuần qua, giá lúa gạo đồng loạt tăng 100-300 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện nay giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu đã chạm đáy. Trong thời gian tới, giá lúa gạo các loại sẽ nhích dần lên. Bên cạnh đó, vụ Đông Xuân là vụ lúa có nguồn cung lớn và chất lượng tốt nhất.

Hiện nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông xuân. Tuy nhiên, trong khi vùng sông Tiền, sông Hậu giá lúa đang tăng thì tại các tỉnh ven biển, giá lúa có chiều hướng giảm. Nguyên nhân một phần do hạn mặn khiến các ghe không vào thu lúa được.

Ghi nhận tại các địa phương như An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, giá gạo nguyên liệu tại Sa Đéc các kho mua đều, giá nhích lên so với hôm qua. Riêng gạo nếp tại An Giang giá ổn định, gạo chợ giao dịch chậm.

Tại An Cư (Cái Bè, Tiền Giang), giá gạo nguyên liệu OM 18 ở mức 12.500-12.600 đồng/kg; gạo Đài thơm 8 ở mức 12.900-13.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 dao động quanh mức 11.900-12.000 đồng/kg; OM 380 ở mức 11.500-11.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu Nhật ở mức 12.700-12.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu ST 21 ở mức 14.000-14.100 đồng/kg; gạo nguyên liệu ST 24 ở mức 14.500-14.700 đồng/kg.

Tại Sa Đéc (Đồng Tháp), giá gạo thơm đẹp ở mức 12.000-12.100 đồng/kg; gạo OM 5451 đẹp dao động quanh mốc 11.400-11.600 đồng/kg; gạo IR 504 ở mức 11.300-11.500 đồng/kg; OM 380 ở mức 11.900-12.200 đồng/kg; RVT ở mức 12.700-13.200 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở mức 579 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 557 USD/tấn; gạo 100% tấm ổn định ở mức 478 USD/tấn.

Xu hướng trong ngắn hạn và sẽ không giảm quá sâu

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, tháng 1/2024, gạo Việt được xuất khẩu sang 27 thị trường với khối lượng trên 512.000 tấn, trị giá 362 triệu USD. Sang tháng 2, kim ngạch đạt 508.000 tấn, thu về 342 triệu USD với mức giá kỷ lục là 673 USD/tấn. Tính chung 2 tháng, cả nước đã xuất khẩu 1,02 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 708 triệu USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước. Về giá gạo xuất khẩu, nếu như năm 2023 bình quân đạt 575 USD/tấn, thì trong 2 tháng đầu năm 2024 đã lên tới 699 USD/tấn…

Dự báo năm nay nhu cầu gạo của các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao do tác động của hiện tượng El Nino và xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ giữa tháng 2 đến nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu Việt Nam đã liên tục giảm gần 60 USD/tấn và giảm 85 USD/tấn so với đỉnh 663 USD/tấn vào tháng 12.2023. Trong nửa cuối tháng 2, giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của các nước gồm Thái Lan, Pakistan cũng ghi nhận giảm.

Đáng chú ý VFA cho rằng, việc giá gạo xuất khẩu giảm do các nước đang vào vụ thu hoạch chính, nguồn cung dồi dào nên nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng. Cụ thể, tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (vựa lúa lớn nhất của Việt Nam) đang thu hoạch rộ vụ Đông Xuân; việc giá gạo xuất khẩu giảm đã tác động tới giá lúa gạo trong nước; theo đó, giá lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Thời gian gần đây, mặc dù giá lúa gạo xuất khẩu giảm liên tục nhưng các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là xu hướng trong ngắn hạn và sẽ không giảm quá sâu do nhu cầu lương thực thế giới vẫn rất cao trong khi nguồn cung hạn chế vì tác động của biến đổi khí hậu. Thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, các quốc gia nhập khẩu hàng đầu đều có kế hoạch tăng nhập khẩu gạo trong năm nay. Cụ thể, Philippines được dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 3,8 triệu tấn; Indonesia cũng lên kế hoạch nhập khoảng 3,6 triệu tấn. Đáng chú ý, Trung Quốc sau thời gian dài dừng nhập khẩu và sử dụng gạo dự trữ cũng đã bắt đầu có kế hoạch nhập khẩu gạo trở lại. Trong khi đó, Ấn Độ là nước có sản lượng gạo lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục chính sách hạn chế xuất khẩu nhằm ổn định giá lương thực trong nước.

Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu lúa gạo bền vững, hiệu quả

 Thủ tướng đã ký Chỉ thị về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ, hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.

 Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng NNPTNT chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa vụ Đông Xuân theo đúng thời vụ, giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch; kịp thời chỉ đạo tổ chức sản xuất vụ Hè Thu.

 Ngoài ra, theo dõi sát tình hình, kịp thời cung cấp thông tin về diễn biến thị trường lúa, gạo để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định giá cả thị trường.

 Bộ trưởng NNPTNT cần phối hợp với Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

 Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo; theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước và kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia…

Theo Người đưa tin

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích