Xây dựng Hoằng Hóa trở thành đô thị hiện đại, sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu
(Xây dựng) – Ngày 12/3, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị. |
Đô thị phát triển đa ngành
Báo cáo thuyết minh tại Hội nghị, đơn vị tư vấn cho biết, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoằng Hóa, gồm 37 đơn vị hành chính (36 xã và 1 thị trấn).
Ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm: Phía Đông giáp Biển Đông; phía Tây giáp thành phố Thanh Hóa; huyện Thiệu Hóa; phía Nam giáp thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn; phía Bắc giáp huyện Hậu Lộc. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 285.808 người, đến năm 2045 khoảng 435.651 người. Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 203,8km2.
Quan điểm lập quy hoạch là xây dựng và phát triển đô thị Hoằng Hóa trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bảo đảm phù hợp với các định hướng, tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch quốc gia, cấp vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh; phù hợp với khả năng cân đối, huy động nguồn lực, tính liên tục của nền tảng hệ thống quy hoạch hiện hữu và định hướng không gian phát triển của đô thị Hoằng Hóa. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.
Phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phát triển đô thị Hoằng Hóa theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hợp tác và hội nhập, trên cơ sở đó đề xuất cơ chế chính sách phù hợp…
Về tính chất, Hoằng Hóa là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh, là trung tâm tổng hợp cấp tỉnh về công nghiệp và dịch vụ du lịch. Đô thị phát triển đa ngành, trong đó trọng tâm là phát triển dịch vụ du lịch gắn với kinh tế biển; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới theo hướng hiện đại, phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn; phát triển đô thị, nhà ở, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…
Hoằng Hóa cũng là đô thị cửa ngõ phía Bắc của vùng đô thị trung tâm tỉnh Thanh Hoá bao gồm thành phố Thanh Hoá – thành phố Sầm Sơn – Hoằng Hoá – Quảng Xương; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Về mục tiêu lập quy hoạch, đến năm 2030 xây dựng và phát triển Hoằng Hóa thành thị xã; đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, du lịch, nông nghiệp – thủy sản; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và văn minh đô thị; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quốc phòng – an ninh được giữ vững; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
Đến năm 2045, Hoằng Hóa sẽ là đô thị hiện đại, sinh thái, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; có mức sống cao; kết nối chặt chẽ với thành phố Thanh Hóa và các đô thị trong vùng liên huyện số 1 về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm phát biểu tại Hội nghị. |
Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai đô thị nhằm tạo ra nguồn lực phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm; phát triển hài hoà giữa khu vực đô thị trung tâm và vùng ven, nâng cao điều kiện sống cho dân cư đô thị.
Bên cạnh đó, làm cơ sở để triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn đô thị theo quy định. Đây cũng là công cụ pháp lý để chính quyền các cấp quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển theo quy hoạch được duyệt…
Cần làm rõ tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế biển
Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí cao với nội dung Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng cũng đóng góp thêm một số ý kiến để giúp đơn vị tư vấn và địa phương bổ sung, hoàn thiện.
Theo đó, địa phương cần rà soát kế hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất cho hạ tầng thương mại, dịch vụ, đất công cộng; rà soát quy mô phát triển đường sắt, đường bộ của từng địa phương; bổ sung đánh giá khi đối chiếu chỉ tiêu hiện trạng của đô thị loại IV; làm rõ hơn mối quan hệ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia.
Đồng thời, cần lưu ý về quốc phòng an ninh; nghiên cứu rõ những đặc điểm về văn hóa, lịch sử; tô đậm vai trò, vị thế của đô thị; nghiên cứu phân vùng phát triển đô thị; lưu ý về phạm vi, diện tích, ranh giới, về tính chất đô thị; làm rõ tiềm năng của du lịch, về phát triển kinh tế biển…
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cho biết: Các đơn vị của tỉnh và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trên cơ sở tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Tỉnh sẽ tích cực phối hợp với tư vấn để hoàn thiện nội dung.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đề nghị địa phương làm rõ các cơ sở pháp lý, các yếu tố về du lịch, cảng biển; làm rõ tốc độ đô thị hóa; xác định động lực của đô thị; có rà soát với quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành; làm rõ tính chất đô thị; lưu ý về dự báo dân số; làm rõ về nội thị, ngoại thị; xác định danh mục các dự án ưu tiên, nguồn lực thực hiện…
UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguồn: Báo xây dựng