Hoằng Hóa (Thanh Hóa): Nhiều tuyến đê bị hư hỏng bề mặt cần được khắc phục

(Xây dựng) – Nhiều vết nứt ngang, dọc, ổ gà xuất hiện trên mặt đê đó là thực trạng tại một số tuyến đê trên địa bàn huyện Hoằng Hóa từ lâu tuy nhiên đến nay chưa được khắc phục, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

hoang hoa thanh hoa nhieu tuyen de bi hu hong be mat can duoc khac phuc
Tại một số tuyến đê trên địa bàn huyện Hoằng Hóa xuất hiện ổ gà.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, những năm qua được sự quan tâm từ Trung ương, tỉnh nhiều tuyến đê trên địa bàn huyện Hoằng Hóa được tu bổ, nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, với đặc thù mặt đê kết hợp đường giao thông nên sau một thời gian đưa vào sử dụng nhiều tuyến đê đã bị hư hỏng phần mặt, xuất hiện nhiều vết nứt ngang, dọc và ổ gà tiềm ần nhiều nguy cơ.

Tại tuyến đê tả sông Mã đoạn qua xã Hoằng Phượng và xã Hoằng Giang bê tông mặt đê đã xuất hiện vết nứt dài. Người dân nơi đây cho biết, hiện tượng nứt mặt đê đã từ lâu, mới đầu nứt nhỏ nhưng dần dần to và dài hơn, đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào khắc phục.

hoang hoa thanh hoa nhieu tuyen de bi hu hong be mat can duoc khac phuc
Nhiều tuyến đê xuất hiện vết nứt dọc, ngang mặt đê.

Còn anh Phan Văn Tú người dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa cho biết: Tôi hay đi trên tuyến đê sông Lạch Trường và sông Cùng nên khó chịu lắm, mặt đê ở đây nứt, bong tróc, nhiều ổ gà… hôm nào đang vội đi nhanh không tránh kịp lao vào ổ gà tay lái loạng choạng suýt ngã. Các ổ gà xuất hiện từ lâu nhưng không thấy ai khắc phục cả.

Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa: Huyện Hoằng Hóa có 4 con sông chảy qua (sông Mã, sông Lạch Trường, Sông Cùng và sông Cẩm Lũ); tổng chiều dài đê là 79,07km; có 90 cống qua đê; có 30 kè với tổng chiều dài kè 28.191m, trong đó: Đê Trung ương cấp III đến cấp I dài 41,61km; Đê địa phương dưới cấp III dài 39,27km.

Trên tuyến đê Trung ương từ cấp III đến cấp I, qua thời gian sử dụng đến nay có 24 đoạn bê tông mặt đê bị bong tróc, nứt dọc, lún nứt với tổng chiều dài khoảng 2,83km; đê địa phương dưới cấp III có 08 đoạn bê tông mặt đê bị bong tróc, nứt dọc, lún nứt với tổng chiều dài khoảng 1,810km.

hoang hoa thanh hoa nhieu tuyen de bi hu hong be mat can duoc khac phuc
Sau một thời gian đưa vào sử dụng mặt đê bị bong tróc tạo nhiều ổ gà.

Các tuyến đê được đắp áp trúc qua nhiều thời kỳ, đắp bằng loại đất không đồng nhất, trong thân đê tiềm ẩn nhiều hang hốc, tổ mối; Dọc 02 bên chân đê phía sông và phía đồng trên một số tuyến có nhiều ao hồ nuôi trồng thuỷ sản tự phát đã tồn tại từ lâu (quá trình tu bổ, nâng cấp mở rộng mặt đê phần chân đê chiếm chỗ lấn vào đất nuôi trồng thuỷ sản), hàng năm các hộ cải tạo, nạo vét ao nuôi gây tác động ảnh hưởng đến ổn định thân, nền đê.

Cùng với đó, mật độ các phương tiện lưu thông trên tuyến đê nhiều vào thời điểm thu hoạch nuôi trồng thuỷ sản; Hệ thống công trình đê điều lớn, tuy nhiên ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên hiện nay trên địa bàn tỉnh nay vẫn còn nhiều vị trí đê xung yếu, thấp, nhỏ chưa đảm bảo yêu cầu phòng, chống lũ; một số tuyến đê đã được đầu tư nâng cấp nhưng qua thời gian dài sử dụng chưa được duy tu sửa chữa cùng với chịu tác động trực tiếp của thời tiết (nắng nóng liên tục kéo dài, mưa lũ cực đoan,…) nên công trình bắt đầu xuống cấp, bê tông mặt đê bị nứt vỡ.

Được biết, hàng năm trước mùa mưa lũ, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình đê điều, chủ động huy động vật tư, phương tiện và nhân lực sửa chữa mặt đê bị hư hỏng đảm bảo công tác ứng cứu hộ đê, phòng chống lụt bão.

Từ thực trang trên, thiết nghĩ UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm có phương án khắc phục để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích