Ngành xây dựng hướng tới sản xuất vật liệu xanh giảm phát thải khí nhà kính

Tại Việt Nam, công trình xây dựng đóng góp tới 39% năng lượng tiêu thụ và phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon, do đó cần đẩy nhanh nhu cầu chuyển đổi sang các giải pháp bền vững hơn.

Một trong những xu hướng quan trọng nhất hiện nay là sử dụng vật liệu tái chế và có khả năng tái chế trong quá trình xây dựng, cùng việc thiết kế các công trình để giảm lượng rác thải và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng. Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng và tài nguyên một cách hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Vật liệu xanh xu thế của tương lai. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp xanh. Tại Hải Dương và Hải Phòng, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào các tổ hợp nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng và ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa năng suất và chất lượng, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất cũng là một phần quan trọng của quá trình chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp xanh. Tại nhà máy hàng triệu viên gạch không phát thải được tạo ra mỗi ngày, ông Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông khí Viglacera cho biết “Chúng tôi chỉ dùng hơi nước để chưng áp, và quá trình tạo ra hơi nước tác nhân nhiệt của chúng tôi lại là dùng biomas. Thì đấy là quá trình tạo sản phẩm đã không phát thải rồi, và quá trình lắp dựng, xây dựng lại vừa nhanh vừa sạch, không tạo ra bụi và phế thải công nghiệp cũng giảm phát thải ra môi trường”.

“Sản phẩm tạo ra siêu nhẹ, chỉ từ 500 – 600kg/m3, có thể dễ dàng nổi được trên mặt nước, sẽ giúp cho chúng ta có thể tiết giảm được trọng lượng của công trình, từ đó tiết kiệm khoảng 12% chi phí kết cấu. Còn với các phần tường bao và vách ngăn, khả năng cách nhiệt của loại gạch bê tông này sẽ giúp tiết kiệm năng lượng điện. Chúng ta có thể tiết kiệm được năng lượng điện từ khoảng 50 đến 70% so với thông thường”, ông Phong cho biết.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp xanh không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Đại diện Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, hướng tới đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, lĩnh vực xây dựng phải chịu trách nhiệm giảm 74,3 triệu tấn CO₂ tương đương. Phát triển vật liệu xanh vì thế trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam.

Do đó, việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành cần chú trọng hơn nữa. Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các vật liệu xanh, các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng 0, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa carbon…

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích