Rủi ro nào đang chờ khách hàng ở Dự án Lumi Hà Nội?
Chặng đường dài để Lumi Hà Nội về tay CapitaLand
Dự án căn hộ cao cấp Lumi Hà Nội tọa lạc tại vị trí mặt tiền Đại lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội . Tổng giá trị phát triển dự án dự kiến khoảng hơn 1 tỷ đô la Singapore (tương đương 18.000 tỷ đồng). Với tổng diện tích khu đất gần 5,6 ha, dự án khởi công vào ngày 01/03/2024.
Ban đầu, dự án này do Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Đô thị Tây Hà Nội làm chủ đầu tư tại Quyết định 6583/QĐ–UBND ngày 29/11/2016 của UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đến ngày 08/07/2019, theo Quyết định số 3643/QĐ–UBND của UBND Thành phố Hà Nội điều chỉnh chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thái Sơn.
Và cuối cùng ngày 22/9/2021, dự án về tay Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Kinh doanh Ánh Sao. Qua đó, đơn vị này được phép thực hiện: Xây dựng các khu chức năng tại lô đất C3 – CH01, C3 – CH02, C3 – CH03, C3 – CX01 và C3 – CX02 thuộc dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ – Đại Mỗ Vinhomes Park hay có tên “mỹ miều” hiện tại là: Dự án Lumi Hà Nội.
Booking đặt chỗ – hình thức xé rào pháp lý để bán hàng ?
Theo ghi nhận của PV, dự án này mới chỉ đang là bãi đất trống, chưa có hoạt động xây dựng nào đáng kể. Thế nhưng, trên các trang mạng cũng như đội ngũ sale đang rầm rộ rao bán sản phẩm của dự án và thu tiền đặt chỗ.
Tham chiếu với Luật kinh doanh Bất động sản, một dự án chỉ được phép mở bán chỉ khi có văn bản xác nhận đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai và biên bản nghiệm thu phần móng (đối với chung cư) của cấp thẩm quyền, ở đây là Sở Xây dựng Hà Nội. Xét theo hiện trạng của dự án trên, để được phép mở bán theo điều 55 Luật này là điều gần như không thể.
Thế nhưng, Công ty TNHH Thương mại và Phát triển kinh doanh Ánh Sao vẫn rầm rộ nhận tiền của khách hàng, theo hình thức “phiếu đặt chỗ có hoàn lại”.
Theo đó khách hàng phải chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản của chủ đầu tư, nhằm thể hiện sự quan tâm đến dự án này và hướng tới việc mua căn hộ. Trong phần thoả thuận chung của phiếu đặt chỗ dự án Lumi Hà Nội có nêu rõ: “Bên đặt chỗ xác nhận việc này chỉ là giao dịch dân sự, giữ chỗ thông thường mà không phải hình thức huy động vốn của Chủ đầu tư.”
Thoạt nghe, khách hàng có thể sẽ tin tưởng và không ngần ngại “xuống tiền”, bởi nếu không mua tiền cọc sẽ được hoàn lại. Thế nhưng điều đó cũng vô tình khiến khách hàng rất dễ lâm vào cảnh “chơi dao cầm lưỡi”.
Giả thiết đặt ra, nếu như các sàn giao dịch nhận “booking” của hàng ngàn khách hàng khi mà dự án vẫn đang là bãi đất trống. Số lượng nhận giữ chỗ vượt quá khả năng cung cấp căn hộ, hay trường hợp booking không mua được nhà hay không đủ tài chính và muốn lấy lại tiền thì có dễ dàng như các môi giới nói hay không? Nếu như, chủ đầu tư vì một lý do nào đó mà dự án không về kịp tiến độ thì số phận của hàng ngàn booking – giữ chỗ sẽ thế nào?
Trao đổi với, Luật sư Nguyễn Điệp – Giám đốc Văn phòng Luật Thiên Việt, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội – cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư không được phép mở bán khi dự án chưa nghiệm thu phần móng. Việc Công ty TNHH Thương mại và Phát triển kinh doanh Ánh Sao (Công ty con của CapitaLand Developmen) với vai trò là chủ đầu tư dự án Lumi Hà Nội thu tiền đặt chỗ từ khách hàng có thể xem giống như một hình thức nhận tiền đặt cọc, nhưng dưới dạng tên gọi khác là “tiền đặt chỗ“. Việc này cũng có thể hiểu như một hình thức huy động vốn từ phía khách hàng.
Để có thông tin khách quan đến bạn đọc, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn đã đặt lịch làm việc với Công ty CapitaLand Development nhưng cho đến nay phóng viên vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Thiết nghĩ, để tránh những rủi ro không đáng có, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ để bảo vệ quyền lợi của người dân, cũng như làm rõ có hay không việc “xé rào” pháp lý để bán hàng tại dự án Lumi Hà Nội.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu