Nỗi gian truân của người chồng khiếm thị nuôi cả gia đình khuyết tật

Anh Lê Văn Dũng (51 tuổi, trú tại thôn Uẩn Áo, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) lại không được yên ả như dòng sông. 

Tại  một ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp tại thôn Uẩn Áo, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là nơi mà anh Lê Văn Dũng, 51 tuổi, cùng vợ và 2 người con sinh sống. Cả gia đình 4 người thì 3 người đều bị khuyết tật, anh Dũng từ nhỏ thị lực đã yếu, đến năm 25 tuổi thì mất đi thị lực hoàn toàn. 

Con gái anh, cháu Lê Thảo Vân năm nay 13 tuổi, vì mang gen của anh nên cũng bị mù từ lúc lên 10, nên 3 năm nay đành phải bỏ dở việc học tập, ở nhà cùng bố mẹ. Vợ anh cũng bị khuyết tật ở chân, cộng thêm chứng thiểu năng khiến cho cô không làm được gì nhiều, may mắn thay đứa con út của anh hiện đang học lớp 3, là người duy nhất còn lành lặn trong gia đình.

Anh Dũng đang tận tâm xoa bóp, bấm huyệt cho khách hàng. Ảnh: H.L

Nguồn thu nhập chính của cả gia đình chủ yếu đến từ nguồn trợ cấp xã hội và từ chính đôi bàn tay của anh Dũng. Mỗi tháng anh được trợ cấp xã hội với số tiền 810.000 đồng, tuy nhiên để nuôi cả gia đình 4 người thì số tiền này là quá ít. 

Cũng nhờ hội chữ thập đỏ của tỉnh mà anh được dạy cho nghề xoa bóp bấm huyệt, được cấp các trang thiết bị để làm dịch vụ tại nhà của mình. 

Mỗi lần bấm huyệt anh chỉ lấy của khách hàng từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng, tùy vào thời gian bấm huyệt. Mỗi ngày thường có khoảng 1 đến 2 khách đến nhà anh để bấm huyệt, thu nhập trung bình hàng ngày cũng chỉ khoảng trên dưới 50.000 đồng. Mỗi tháng bình quân anh kiếm được khoảng 500.000 đồng đến 800.000 đồng từ nghề xoa bóp bấm huyệt này. 

Tuy nhiên, từ lúc tỉnh Quảng Bình bắt đầu xuất hiện dịch COVID-19, người dân hạn chế đi lại nên lượng khách hàng của anh cũng sụt giảm mạnh, có những tháng gia đình anh chỉ sống bằng mỗi tiền trợ cấp xã hội. Cuộc sống vốn đã vất vả, nay còn cơ cực hơn trước nhiều.

Anh Dũng tâm sự, “mình là người đàn ông trong gia đình mà, tuy rằng mình mù những vẫn phải làm để cố gắng cho vợ con một cuộc sống tốt hơn, vợ con mình đã quá thiệt thòi rồi. Mình chỉ không nhìn thấy, chứ tay chân mình vẫn còn hoạt động được, mà còn hoạt động được là còn làm. Mình cũng không muốn là gánh nặng cho xã hội, cho gia đình mình”.

Người con gái đầu của anh, cháu Lê Thảo Vân cũng bị tình trạng như anh lúc trẻ. Cháu từ khi sinh ra thị lực đã yếu, phải theo học tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật của huyện, từ lúc lên 10 tuổi, do mất thị lực hoàn toàn nên cháu phải ở nhà với bố mẹ đã 3 năm nay.

Giờ cả ước mơ của gia đình đều đặt trọn vào đứa con trai út, người duy nhất còn lành lặn trong gia đình. Mọi việc liên quan đến chữ viết trong gia đình giờ đều do chính cậu nhóc lớp 3 này đảm nhiệm. 

Anh Dũng nói trong nước mắt, “cháu lớn hết hi vọng rồi, tội cho cháu, gia đình nghèo quá, không có tiền chạy chữa kịp thời cho cháu. Giờ mọi hy vọng đều đặt cả vào đứa con út của mình cả, mong là hắn không bị như ba và chị”.

Gia đình anh Dũng là hộ nghèo trong thôn, nên mọi học phí của cậu con trai đều được miễn giảm, nếu không có lẽ gia đình cũng không kham nổi việc nuôi cháu ăn học.

Bà con xóm làng thương cho hoàn cảnh của anh, cũng động viên giúp đỡ anh rất nhiều.

Giờ đây, anh Dũng cũng chỉ mong có tiền chăm lo cho gia đình, chăm lo cho việc học tập của người con trai út còn lành lặn, người đang mang trên mình ước mơ của cả gia đình về một cuộc sống tươi sáng hơn.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích