Ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng quy hoạch kiến trúc
(Xây dựng) – Hiện nay, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh của cuộc sống, đối với lĩnh vực quy hoạch kiến trúc cũng không ngoại lệ. Bởi công nghệ đã tạo ra cơ hội mới, mở ra những cánh cửa sáng tạo và biến những ý tưởng trở thành hiện thực. Đồng thời, nó cũng mang lại những thách thức và yêu cầu kiến trúc sư (KTS) phải thích nghi với tốc độ biến đổi nhanh chóng, cập nhật, ứng dụng công nghệ trong công việc quản lý, thiết kế quy hoạch kiến trúc… Hội KTS Bình Dương đã tổ chức Hội thảo “Tư duy sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị”, để làm rõ hơn những ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc.
Toàn cảnh Hội thảo “Tư duy sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị” do Hội KTS Bình Dương tổ chức chiều 15/3. |
Liên kết vùng
ThS.KTS Nguyễn Ngọc Văn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội KTS Bình Dương cho rằng, trong tương lai phát triển lĩnh vực quy hoạch kiến trúc không chỉ dựa trên công nghệ, mà còn phải tìm kiếm cách tận dụng và khai thác tiềm năng của công nghệ để nâng cao chất lượng quản lý, sáng tạo đối với từng lĩnh vực cụ thể. Qua đó, giúp cho các KTS định hình trong việc nhận định, đón đầu các xu hướng, ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả cho các giải pháp quy hoạch xây dựng và thiết kế công trình trong tương lai.
Theo KTS Nguyễn Hồng Hải, quy hoạch là cơ hội lý tưởng tạo dư địa mới cho phát triển, do đó đòi hỏi phải có tư duy trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Bởi quy hoạch thông minh là cần tạo dư địa không gian cho phát triển mới, cải tạo không gian cũ. Phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, di dời các cơ sở sản xuất, cụm công nghiệp, khu công nghiệp và khu dân cư chưa đạt chuẩn; Công nghệ thông minh cần xây dựng hạ tầng công nghệ, khuyến khích phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng nhằm tăng năng suất lao động…
“Để có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, vùng Đông Nam Bộ cần phát huy tối đa thế mạnh và khắc phục hạn chế đang có. Phải coi liên kết vùng là một nền tảng chung cho cạnh tranh và tăng trưởng. Phải có tầm nhìn và mục tiêu vượt bẫy thu nhập, hướng tới xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, tạo điều kiện cho việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cơ hội kinh doanh, tránh các dự án nhỏ lẻ, cục bộ. Khai thác các thế mạnh và khắc phục các điểm yếu của nhau để cùng phát triển. Dư địa phát triển của nơi này sẽ được sử dụng tạo dư địa phát triển mới cho nơi kia. Tạo ra cơ chế, môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp trong khu vực hợp tác, đầu tư và phát triển chung”, KTS Nguyễn Hồng Hải nói.
Theo KTS Nguyễn Trường Lưu – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh đang làm quy hoạch chung, Thành phố đều mời lãnh đạo các tỉnh trong vùng tham dự để có phản biện trong kết nối vùng. Trước hết kết nối vùng là chính sách, là chủ trương của lãnh đạo chứ không chỉ ở ý tưởng của KTS. Nếu không có thay đổi nhanh, mạnh sẽ không thể phát triển được. Phát triển vùng là ưu tiên giao thông, giao thông đi đến đâu sẽ phát triển tới đó.
Hạ tầng giao thông đang được đầu tư tại Bình Dương. |
Theo các chuyên gia, để khai thác các dư địa phát triển của Vùng, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Chiều rộng là khai thác dư địa không gian và thế mạnh mà các tỉnh lân cận đang có sẵn để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp. Chiều sâu là nâng cao năng suất lao động, chất lượng con người, tập trung khai thác các dịch vụ giá trị gia tăng cao như: Công nghệ cao, tài chính ngân hàng, dịch vụ doanh nghiệp, y tế – giáo dục chất lượng cao.
Hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng liên kết toàn vùng đô thị. Sử dụng hạ tầng vùng cho các hoạt động quy mô lớn, giảm thiểu tắc nghẽn về hạ tầng và quá tải dân số. Khai thông liên kết vùng, chia sẻ, hợp tác để cộng hưởng phát triển không làm mất đi lợi thế cạnh tranh của Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua đó, còn mở ra những vận hội mới cho phát triển đột phá khi các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ giúp Thành phố giải quyết các vấn đề nan giải về không gian phát triển, đồng thời mở ra thị trường lớn để khai thác các dư địa về dịch vụ…
Ứng dụng công nghệ BIM và chuyển đổi số trong xây dựng
Trong thời gian qua, với sự quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các tỉnh thành, việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng đã lan tỏa đến nhiều địa phương, doanh nghiệp mang lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Tại Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC đã và đang áp dụng các công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực, từng bước xây dựng “Thành phố mới Bình Dương, vùng đổi mới sáng tạo” trở thành thành phố đáng sống cho người dân và doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, về thực trạng khi áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và chuyển đổi số là thay đổi nhận thức về công nghệ BIM. Bởi dựa trên các yếu tố định hướng của Chính phủ về chuyển đổi số trong xây dựng, xu hướng của ngành Xây dựng về áp dụng công nghệ số. Đặc biệt, Becamex nhận thấy nhu cầu cấp thiết về việc áp dụng công nghệ BIM và chuyển đổi số, ứng dụng số hóa cho toàn bộ quy trình, hệ thống quản lý của Tổng Công ty.
Ứng dụng BIM trong thiết kế và quản lý thiết kế Khu phức hợp WTC Bình Dương New City có tổng diện tích sàn 153.000m2, bao gồm Trung tâm thương mại, nhà thi đấu đa năng, quảng trường. |
Do đó, Becamex đã thiết lập quy trình BIM từ giai đoạn thiết kế đến thi công và quản lý vận hành. Toàn bộ giá trị khối lượng của dự án được bóc tách một cách chính xác nhất phục vụ công tác quản lý khối lượng, quản lý đấu thầu cho chủ đầu tư. Trong quá trình thi công, vai trò của môi trường dữ liệu chung được thể hiện rõ rệt, dữ liệu được đồng bộ, minh bạch và tiết kiệm rất nhiều thời gian cho vấn đề trao đổi thông tin.
“Những công trình hiện hữu và xây mới được Becamex áp dụng quy trình quản lý vận hành dựa trên nền tảng mô hình hoàn công. Từ mô hình hoàn công này có thể trích xuất các trường thông tin phục vụ công tác quản lý vận hành và bảo trì công trình. Mô hình hoàn công làm nền tảng liên kết đến hệ thống BMS, BAS và phát triển trung tâm điều hành thông minh (IOC). Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của Becamex đã và đang tạo dựng những bản sao số cho tất cả các dự án tại Tổng Công ty. Tất cả cơ sở dữ liệu về bản sao số sẽ là nền tảng cho xây dựng, quản lý thành phố thông minh.
Thời gian tới, Becamex IDC sẽ tiếp tục áp dụng nâng cao chuyển đổi số, đồng hành cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương để chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực nhằm mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư, phát triển bền vững cho địa phương”, đại diện Becamex IDC nói.
Ông Lê Như Thạch – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bcons lưu ý khi ứng dụng BIM, phần mềm này đòi hỏi hệ thống thiết bị phải đồng bộ, ngoài ra cần thêm hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn. Hiện nay, chưa có tiêu chuẩn đồng bộ nên việc ứng dụng BIM trong lĩnh vực xây dựng đạt hiệu quả chưa cao.
Nguồn: Báo xây dựng