Khắc phục “nghịch lý” thừa phân khúc cấp cao, thiếu nhà giá rẻ
Ngày 11/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho địa phương, doanh nghiệp (Tổ công tác) sau khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành.
Vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề như ngân hàng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng…
Phó Thủ tướng khẳng định, Nhà nước sẽ làm hết sức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện những gì thuộc trách nhiệm, thẩm quyền.
“Các nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc khắc phục “nghịch lý” thừa phân khúc cấp cao, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp, giải quyết tình trạng “thổi giá”, “đẩy giá” để cung và cầu gặp nhau…”, Phó Thủ tướng nêu rõ và cho rằng: “Cần có quan điểm rõ ràng, công tâm, khách quan, không né tránh, nhằm đưa thị trường BĐS trở lại hoạt động bình thường”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp. Ảnh:VGP |
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, thị trường BĐS nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án BĐS đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Dù vậy một số địa phương chưa thành lập tổ công tác, chưa giải quyết khó khăn; còn nhiều vướng mắc trong tổ chức triển khai thực thi pháp luật. Chưa tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lĩnh vực BĐS “luôn đi cùng” với ngành ngân hàng và liên quan tới hàng loạt lĩnh vực khác như sản xuất, vật tư, vật liệu xây dựng…
Báo cáo một số vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ, ông Đào Minh Tú cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây cần tạo điều kiện cho “cầu tiếp cận được nguồn cung” và đẩy mạnh nguồn cung, trên cơ sở đó giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung – cầu cũng như với các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.
Đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội… cho biết, khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…
Một số doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…
Tạo thị trường lành mạnh, tránh tình trạng “bong bóng” BĐS
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc phát triển thị trường BĐS lành mạnh góp phần vào tăng trưởng kinh tế – xã hội, tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền được tiếp cận nhà ở của người dân.
Thời gian qua, thị trường BĐS chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước, thế giới, nhất là sau đại dịch Covid-19, cũng như những kẽ hở, yếu kém trong quản lý thị trường vốn, đất đai, BĐS.
Vấn đề đặt ra là phải lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư một cách bài bản, đồng bộ, khoa học, nhanh nhạy đối với công tác quản lý lĩnh vực BĐS, đất đai, tín dụng, vốn… tạo ra thị trường lành mạnh, khuyến khích đầu tư, kinh doanh, tránh tình trạng “bong bóng” BĐS…
Đại diện các bộ, ngành trao đổi ý kiến tại cuộc họp. Ảnh:VGP |
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tổng kết thành những nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu có thể được giải quyết trong các luật sửa đổi, bổ sung về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS… vừa được thông qua, từ đó nghiên cứu phương án tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành văn bản theo thẩm quyền cho phép áp dụng trước thời điểm luật có hiệu lực.
Tổ Công tác thống kê số dự án BĐS đã được giao đất nhưng đang vướng mắc về thủ tục pháp lý; xây dựng tiêu chí nhà đầu tư BĐS có năng lực; tổng kết, pháp điển hoá việc thí điểm cho phép địa phương điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với các dự án BĐS nhưng không giảm các chỉ tiêu chung; mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình và thấp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp; hướng dẫn đầy đủ cho địa phương thực hiện theo đúng cơ chế, chính sách đã có về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất…
“Việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương phải có địa chỉ, thời hạn cụ thể. Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm, bao giờ hoàn thành”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng giao các địa phương tính toán cụ thể nhu cầu của người dân, bố trí đầy đủ quỹ đất dành cho các dự án nhà ở, cải tạo chung cư cũ, trong quá trình lập, thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn; báo cáo hoạt động của các tổ công tác tại địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS.
Đối với nguồn vốn dành cho các dự án nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khoá dài hạn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi; thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội bao gồm ngân sách Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp từ chi phí 20% xây nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và các nguồn hợp pháp khác, hỗ trợ cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội, bảo đảm hài hoà giữa thực hiện chính sách xã hội và cơ chế thị trường.
Phó Thủ tướng mong muốn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tính toán chi phí hợp lý, đưa ra các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp, bảo đảm chất lượng, thiết kế, thẩm mỹ và mức lợi nhuận hợp lý, hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân; góp phần phát triển lành mạnh thị trường BĐS.
Thời gian qua, thị trường BĐS nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án BĐS nói riêng đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tiêu biểu, Hà Nội hiện có 404 dự án. Qua rà soát, phân loại khó khăn, vướng mắc, đã giải quyết đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai 81 dự án; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Hà Nội đang tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành. Tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do Tổ công tác yêu cầu; 44/148 dự án do Hiệp hội BĐS Thành phố tổng hợp kiến nghị; đang tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô