Có bao nhiêu đối tượng bỏ trốn trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm?
Các bị cáo trong phiên xét xử ngày 6/3. Ảnh: TTBC. |
Theo đó, cơ quan tố tụng xác định có 2 bị can có quốc tịch nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội gồm Lee George Lam và Henry Sun Ka Ziang. Cụ thể, Lee George Lam, làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 6/2012 đến ngày 19/1/2015, giữ các chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB.
Từ ngày 11/12/2012 đến ngày 28/11/2014, Lee George Lam với vai trò là Phó Chủ tịch thứ nhất, Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB đã ký 8 biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý hợp thức cho 68 khoản vay của Trương Mỹ Lan, có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 53.816 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản bảo đảm ở hiện tại của các khoản vay là hơn 34.083 tỷ đồng.
Hành vi của Lee George Lam gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 19.733 tỷ đồng, cấu thành tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Trong khi đó, Henry Sun Ka Ziang làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 4/2015 đến trước ngày khởi tố vụ án với chức vụ Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB.
Từ ngày 1/7/2015 đến ngày 31/8/2022, Henry Sun Ka Ziang với vai trò là Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB đã ký 487 biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý cho 356 khách hàng nhóm Trương Mỹ Lan vay 602 khoản vay tại Ngân hàng SCB, có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 577.629 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị tài sản bảo đảm ở hiện tại của các khoản vay là hơn 115.539 tỷ đồng. Hành vi của Henry Sun Ka Ziang gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 462.089 tỷ đồng, cấu thành tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Hiện Lee George Lam và Henry Sun Ka Ziang đều đã xuất cảnh khỏi Việt Nam, không rõ đang ở đâu. Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định tách vụ án hình sự, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Henry Sun Ka Ziang và Lee George Lam.
Đối với các đối tượng: Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Trầm Thích Tồn (nguyên Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Nguyễn Lâm Anh Vũ (nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành Ngân hàng SCB), Chiêm Minh Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi khởi tố bị can, hiện không xác định được đang ở đâu. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định truy nã, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại địa phương nơi bị can đăng ký thường trú, phát thư kêu gọi ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tiến hành lập Biên bản vận động đối tượng ra đầu thú đối với gia đình bị can; chỉ định luật sư bào chữa, giao các quyết định tố tụng cho luật sư và thân nhân để thông báo cho các bị can; tổ chức nhận dạng; trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết của các bị can trên các hồ sơ vay.
“Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm. Đối với các bị can Đinh Văn Thành, Trầm Thích Tồn, Nguyễn Thị Thu Sương, Nguyễn Lâm Anh Vũ, Chiêm Minh Dũng đã áp dụng đầy đủ các biện pháp để đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định; trường hợp không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt theo Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung”, cáo trạng của VKSND Tối cao nêu rõ.
Đại diện VKSND TP.HCM thực hành quyền công tố theo phân công của VKSND Tối cao công bố cáo trạng trong phiên xét xử ngày 6/3. Ảnh: TTBC. |
Ngoài ra cáo trạng cũng xác định, các nhóm đối tượng tại Ngân hàng SCB là cán bộ ở cấp đơn vị/chi nhánh cho vay; tái thẩm định cho vay; tham mưu cho Ban Tổng Giám đốc, cán bộ giúp việc cho HĐQT, Ban Kiểm soát có tham gia trong hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định; kiểm tra, kiểm soát hoạt động Ngân hàng SCB… đều là những người lệ thuộc, làm công ăn lương, không giữ chức vụ, vị trí chủ chốt, họ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu của lãnh đạo Ngân hàng SCB. Quá trình điều tra đã tích cực hợp tác, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm, do vậy không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân này.
Trong vụ án này, Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Giám đốc, Giám đốc Ngân hàng SCB – Chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Tiến Thành (Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB), Nguyễn Ngọc Dương (cựu Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát) được xác định phạm tội, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội, nhưng đều đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
“Quá trình điều tra, công tố đối với vụ án đã cho thấy nhiều sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản quy phạm pháp luật, trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can. VKSND Tối cao sẽ kiến nghị các cơ quan hữu quan có thể chế, chính sách, giải pháp để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm”, cáo trạng của VKSND Tối cao nêu rõ. |
Cáo trạng cũng xác định, nhóm đối tượng trong hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được thuê đứng tên ký khoản vay, đứng đại diện pháp luật công ty ký hồ sơ vay, đứng tên tài sản bảo đảm, ký chứng từ rút, chuyển tiền, làm nhân viên kế toán, nhân sự hành chính… liên quan đến các hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định đối với các khách vay vốn Ngân hàng SCB là các đối tượng có vai trò thứ yếu, ngoài tiền lương được trả không được hưởng lợi gì khác. Bản thân không nhận thức được hành vi đứng tên như trên giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền ngân hàng, là những người lệ thuộc, thực hiện nhiệm vụ do các đối tượng khác thuê; quá trình điều tra thành khẩn khai báo, do vậy không xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người này.
Ngoài ra, cơ quan tố tụng cũng đã phân loại nhóm không xử lý hình sự gồm 7 thành viên còn lại của Đoàn thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, 7 thành viên này mặc dù sai phạm trong quá trình thanh tra và nhận tiền từ Ngân hàng SCB nhưng thực hiện theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra. Quá trình làm việc với Cơ quan điều tra đã thành khẩn, chủ động khai báo về sai phạm và việc nhận tiền trong quá trình thanh tra, đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền nhận từ Ngân hàng SCB (từ trước khi khởi tố vụ án), hợp tác tích cực giúp Cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án; quá trình công tác có nhiều thành tích được Cơ quan chủ quản khen thưởng. Do đó, Cơ quan điều tra – Bộ Công an, VKSND Tối cao không xem xét trách nhiệm hình sự mà đề nghị xử lý về Đảng và chính quyền là phù hợp, nghiêm minh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô