Băng tan nhanh ở hai cực trái đất
Băng tan nhanh ở hai cực trái đất
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications đầu tháng 3/2024 cho biết, trong 3 năm liền, diện tích băng biển quanh Nam Cực đã giảm xuống dưới 2 triệu km2 – ngưỡng mà trước năm 2022 chưa từng bị phá vỡ.
Nghiên cứu cũng đưa ra dự báo băng tại Bắc Cực có thể biến mất hoàn toàn trong những năm từ 2030 đến năm 2050, dấu hiệu rõ ràng về tốc độ nhanh hơn dự kiến của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Mức độ tan băng vượt khỏi dự báo
Dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ xác nhận, 3 năm qua là 3 năm thấp kỷ lục về lượng băng biển trôi nổi khắp lục địa kể từ khi các phép đo vệ tinh bắt đầu được thực hiện vào năm 1979. Các nhà khoa học cho rằng, Nam Cực đang trải qua một quá trình chuyển đổi quan trọng và đột ngột.
Theo TS Ariaan Purich – nhà khoa học khí hậu chuyên về Nam Cực và Nam Đại Dương tại Đại học Monash (Mỹ), không có số đo đáng tin cậy nào về độ dày của băng biển ở Nam Cực, nhưng khi băng biển mỏng hơn thì nó có thể tan nhanh trở lại. Băng biển phản chiếu bức xạ mặt trời, việc ít băng hơn có thể khiến đại dương nóng lên nhiều và nhanh hơn.
Vẫn theo TS Ariaan, việc tổn thất băng biển chỉ là một trong một số thay đổi lớn đang được quan sát thấy ở Nam Cực và có khả năng gây ra hậu quả toàn cầu khi nó đẩy nhanh tốc độ mất băng trên đất liền, từ đó có thể đẩy mực nước các đại dương lên cao.
Một nghiên cứu được công bố cuối tháng 2/2024 trên tạp chí Geophysical Research Letters cũng cho biết, những dữ liệu vệ tinh của NASA cho thấy băng biển Bắc Cực đang tan nhanh với tốc độ kinh ngạc, nhanh hơn so với những gì các nhà khoa học dự báo trước đó.
Trong vòng 3 năm, khi đo băng thông qua dữ liệu vệ tinh mỗi tháng, các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của Viện Công nghệ California và Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng của Đại học Washington (Mỹ) nhận thấy, băng biển Bắc Cực mỏng đi 1,5m. Lượng băng ở Bắc Cực đã giảm 1/3 trong 20 năm qua.
Giới khoa học cảnh báo, Bắc Cực có khả năng phải đối mặt với thảm họa mùa hè không có băng vào những năm 2030 – 2050. Giáo sư Seung-Ki Min cho rằng, nếu thế giới tiếp tục tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và mức độ ô nhiễm vẫn tăng thì sự biến mất hoàn toàn của các khối băng từ tháng 8 đến tháng 10 ở Bắc Cực sẽ diễn ra trước năm 2080.
Những hệ lụy được báo trước
Nhà khoa học khí hậu Jessica Moerman – Phó Chủ tịch Khoa học và Chính sách tại Mạng lưới Môi trường toàn cầu nói với ABC News: “2 cực của trái đất là tiền tuyến của biến đổi khí hậu. Băng tan nhanh và những tác động của nó đã gõ cửa nhà chúng ta”.
Tác động lâu dài và lớn nhất của sự tan băng ở 2 cực trái đất là mực nước biển dâng, khiến cho nhiều vùng đất canh tác trở nên hoang hóa do bị ngập mặn và các cơ sở hạ tầng ven biển trở nên vô dụng. Twila Moon – nhà khoa học Trung tâm Dữ liệu băng và tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC) khẳng định, nước biển dâng sẽ làm gia tăng lũ lụt trong đất liền, làm hỏng các nguồn nước ngọt. Giáo sư Moon nói: “Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi trong quần thể động vật. Chắc chắn là các loài động vật phụ thuộc vào băng biển làm môi trường sống chính, vì chúng ta đã mất đi phần lớn lớp băng biển dày hơn của mình”.
Cụ thể, những quần thể gấu Bắc Cực đã suy giảm nhanh chóng khi môi trường sống bị chia cắt đến mức chúng tăng khả năng giao phối cận huyết, gây ra những tác động tai hại đối với sự tồn tại của loài trong các thế hệ tiếp theo. Những núi băng khổng lồ tan vào đại dương cũng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn biển, từ đó nhiều loài có thể “chết đói” và biến mất.
“Chúng ta có thể sẽ không bao giờ lấy lại được lớp băng đó, vì phải mất hàng nghìn năm các lớp tuyết tích tụ chồng lên nhau mới tạo nên tảng băng khổng lồ dày vài km ở hai cực trái đất” – giáo sư Jessica Moerman nói và cho rằng hệ lụy đã được báo trước nhưng những giải pháp chống biến đổi khí hậu hầu như vẫn chưa mang lại kết quả.
Các sông băng trên trái đất đang tan chảy và nhân loại có thể phải đối mặt với những thay đổi lớn, mà sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân chính dẫn tới điều đó. Theo giáo sư Twila Moon, hoạt động của con người đã đẩy nhanh quá trình tan chảy của sông băng. Trong đó có các hoạt đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng dẫn tới trái đất hấp thụ nhiệt của mặt trời lớn hơn. Sự phát triển tài nguyên nước quy mô lớn và lượng nước thải ngày càng tăng xả trực tiếp vào các hồ băng, gây ra lũ lụt trong các hồ băng, làm tổn hại thêm đến sự ổn định của sông băng và đẩy nhanh tốc độ tan chảy của chúng. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C, mực nước biển sẽ dâng thêm khoảng 60cm, dẫn đến ngập úng bờ biển và gây tổn hại đến hệ sinh thái ven biển.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị