Doanh thu công ty của đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ đủ cho vợ con vay nóng
IPP Group có kết quả kinh doanh như thế nào?
Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, IPPG vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng dương, tăng 45 tỉ đồng, tương đương tăng 10% so với năm 2019 lên 497 tỉ đồng.
Doanh thu tăng nhưng giá vốn giảm nhẹ, từ 186 tỉ đồng xuống 179 tỉ đồng nên kết quả là lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của IPPG tăng đáng kể, tăng 91 tỉ đồng, tương đương 40% lên 318 tỉ đồng.
Trừ mọi chi phí, Công ty báo lãi 212 tỉ đồng, tăng 12 tỉ đồng, tương đương 6% so với năm 2019. Không chỉ tăng trưởng dương, IPPG còn ghi nhận tỉ suất lợi nhuận/doanh thu rất cao, lên tới 42,7%.
Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng vốn tại IPPG lại không cao vì quy mô IPPG lớn vượt trội so với doanh thu. IPPG có vốn góp chủ sở hữu lên đến 3.000 tỉ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2020, IPPG đạt 3.946 tỉ đồng vốn chủ sở hữu và 5.492 tỉ đồng tổng tài sản.
Do đó, tỉ suất lợi nhuận/vốn của IPPG chỉ là con số khiêm tốn 5,4%. Nghĩa là 1 đồng vốn chỉ sinh ra 0,05 đồng lợi nhuận. 5,4% vẫn thấp hơn một chút so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng nhà nước. Còn tại ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên tới 7%/năm.
Doanh thu chỉ đủ cho vợ con vay nóng
Tại thời điểm cuối năm 2020, dòng tiền của IPPG âm đáng kể. Theo đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của IPPG là âm 115 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số âm 71 tỉ đồng của năm 2019. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính là âm 148 tỉ đồng, giảm so với con số 192 tỉ đồng của năm trước.
Ngoài ra, IPPG phải phát hành trái phiếu khiến tổng nợ vay của IPPG tại ngày 31/12/2020 lên tới 1.203 tỉ đồng. Kết quả là IPPG phải dành gần 68 tỉ đồng cho chi phí lãi vay.
Thế nhưng, IPPG vẫn cho các cá nhân, tổ chức có liên quan vay. Trong đó, đáng chú ý nhất là vợ con ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Cuối năm 2020, IPPG có khoản phải thu ngắn hạn lên đến hơn 345 tỉ đồng với bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn, 102 tỉ đồng với ông Nguyễn Quốc Khánh và 32 tỉ đồng với ông Nguyễn Phi Long.
Như vậy, tổng số tiền phải thu từ cho vay vợ con ông Johnathan Hạnh Nguyễn là 479 tỉ đồng, chỉ thấp hơn doanh thu cả năm 2020 là 497 tỷ của IPPG một chút.
Chưa dừng lại ở đó, IPPG còn có khoản phải thu lãi cho vay gần 27 tỉ đồng với bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, hơn 10 tỉ đồng với ông Nguyễn Quốc Khánh và gần 455 triệu đồng với ông Nguyễn Phi Long. Ngoài ra, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên còn nhận tạm ứng hơn 264 tỉ đồng từ IPPG.
IIPG chi khoảng 3,5 tỉ USD để mua 10 máy bay B777 Freighter
IPP Group dự kiến sẽ mua 10 máy bay B777 Freighter vận tải hàng hóa của Boeing trị giá khoảng 3,5 tỉ USD.
Tuy nhiên, đại diện IPP Group cho biết đây là kế hoạch trong vài năm tới. Hiện, Bộ Giao thông vận tải, chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh. Công ty cổ phần IPP Air Cargo trong hệ sinh thái IPP Group mong muốn tiếp tục xúc tiến việc lập hãng hàng không chở hàng, mua máy bay.
Theo chia sẻ của Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn: “IIPG có kế hoạch xây 5 kho logistics tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cần Thơ và sau này là Long Thành để đưa hàng từ nước ngoài về tập kết tại các hub này. Sau đó, IPP Air Cargo sẽ dùng máy bay chở hàng, phủ sóng đến 16 sân bay nội địa khác”.
“Dự án IPP Air Cargo có vốn đầu tư 100 triệu USD, nhưng đầu tư 6 hub và 16 kho hàng hóa còn tốn tiền gấp nhiều lần. Chúng tôi không đơn thuần xây kho, quầy kệ hàng như trước mà phải có băng chuyền, hệ thống quản lý thông minh hiện đại như nước ngoài”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết thêm.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định IPP Air Cargo không cạnh tranh vận chuyển hành khách với các hãng hàng không. Nếu có trong tay 10 chiếc Boeing 777F, IPP Air Cargo sẽ có năng lực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
“Để tạo ra cuộc cách mạng trong ngành logistics hàng không, tôi biết sẽ rất khó khăn và tốn kém. Dù vậy, tôi không ngần ngại, cũng giống như trước đây tôi đã làm với thị trường hàng hiệu. Không ai nghĩ tới, nhưng nay tôi đã tạo được uy tín để đưa hơn 108 thương hiệu cao cấp trên thế giới về phân phối tại Việt Nam”, Chủ tịch IPPG nhấn mạnh.
Mặc dù ấp ủ “kế hoạch bay” cả thập kỷ, nhưng đến nay, hãng hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn chưa được “khai sinh”.
Trước đó, vào tháng 8, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư các dự án trọng điểm của công ty IPPG. Theo đó, IPPG đã ký kết hợp tác đầu tư với các đối tác lớn từ Mỹ, Hàn Quốc và một số quốc gia khác để xúc tiến thực hiện 45 dự án trọng điểm đã nghiên cứu triển khai tại Việt Nam với dự kiến tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỉ USD.
Vừa qua, Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đại diện IPPG đã ký kết hợp tác đầu tư với 3 đối tác lớn của Mỹ để xúc tiến thực hiện 45 dự án trên.
Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) là một tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực tại Việt Nam, được thành lập bởi ông Johnathan Hạnh Nguyễn, đặc biệt nổi tiếng với việc kinh doanh hàng hiệu.
Ngoài ra, IPPG còn hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực trong các lĩnh vực khác, như ẩm thực, quản lý trung tâm thương mai, dịch vụ phi hàng không, cửa hàng miễn thuế,…. Hiện IPP Group có 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết. Hệ sinh thái IPP Group gồm nhiều công ty, tuy nhiên, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) là hạt nhân của IPP Group.
Link gốc
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu