Hải Dương: Phấn đấu đến năm 2025 đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Hải Dương phấn đấu đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%. Bên cạnh đó, phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm lĩnh vực khoa học nông nghiệp, khoa học y, dược, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ; cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST.

Phấn đấu tập trung nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN&ĐMST từ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Triển khai ứng dụng các thành tựu của công nghệ cốt lõi thúc đẩy tiêu chuẩn, đo lường năng suất chất lượng và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội và củng cố quốc phòng an ninh. Chuyển đổi số các quy trình quản lý nhiệm vụ KH&CN, tiến tới quản lý, tác nghiệp trên môi trường mạng.

Để thực hiện các mục tiêu này, tỉnh Hải Dương cũng vạch ra những nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng việc kịp thời cụ thể hoá, sửa đổi, đồng bộ các quy định về quản lý, triển khai nhiệm vụ KH&CN các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, phù hợp với tiêu chí kết quả đầu ra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao, xử lý tài sản hình thành trong nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đóng góp kinh phí cùng với ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KHCN&ĐMST; các cơ chế tài chính cho nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, đồng thời hướng đến sản phẩm cuối cùng, lấy kết quả nghiên cứu làm mục tiêu.

Đồng thời, triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh nghiên cứu KHCN&ĐMST, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng; Hỗ trợ tăng cường liên kết giữa các loại hình doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN trong và ngoài tỉnh; Triển khai chính sách khuyến khích các tổ chức KH&CN trở thành hạt nhân nghiên cứu KHCN&ĐMST; khuyến khích hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN; Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; Hỗ trợ thành lập các tổ chức KH&CN, tạo mối liên kết giữa các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp.

Tỉnh Hải Dương cũng tập trung xây dựng năng lực công nghệ cốt lõi, thúc đẩy năng suất chất lượng, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới cơ chế tài chính, phương thức quản lý tài chính các chương trình, nhiệm vụ KH&CN theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế để giảm bớt thủ tục hành chính.

Đồng thời, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; Tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản về thị trường KH&CN, các chính sách doanh nghiệp KH&CN được hưởng lợi; Tuyên truyền giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc trưng và thành tựu KH&CN của tỉnh tới người dân và doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đẩy mạnh áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ trực tiếp cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; áp dụng tiêu chuẩn cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, đổi mới sáng tạo, hoạt động truy xuất nguồn gốc, quy trình truy xuất nguồn gốc; áp dụng tiêu chuẩn quốc gia cho các nhóm sản phẩm có thế mạnh của tỉnh; Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đánh giá sự phù hợp, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN sản xuất các thiết bị khoa học công nghệ đo lường; tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; thúc đẩy triển khai việc xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác tuyển chọn, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN, nhất là các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN và tổ chức nhân rộng kết quả các nhiệm vụ KH&CN đã được nghiệm thu vào đời sống sản xuất; Đẩy mạnh hợp tác với đối tác, quốc gia tiên tiến về KHCN&ĐMST thông qua việc tham gia các kế hoạch hợp tác của Bộ, ngành Trung ương; Khuyến khích các hoạt động phối hợp nghiên cứu KH&CN với các tổ chức KH&CN của nước ngoài; Thu hút chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia quốc tế tham gia hoạt động KH&CN nhằm góp phần thúc đẩy lưu chuyển tri thức và công nghệ từ nước ngoài về tỉnh. Đẩy mạnh giao lưu, trao đổi học thuật, tham gia hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; tăng cường tham gia các hoạt động triển lãm, truyền bá các thành tựu KH&CN mới, tiên tiến của Việt Nam và thế giới.

Ngoài ra, tăng cường hoạt động chuyển đổi số và hiện đại hoá hoạt động quản lý nhà nước, doanh nghiệp KHCN&ĐMST, tăng cường công tác thông tin và truyền thông về KHCN&ĐMST. Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn ngân sách nhà nước; xử lý vi phạm về đo lường đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường; sử dụng phương tiện đo, phép đo, lượng hàng hóa đóng gói sẵn.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích