Những dòng sông nhỏ lập nên kỳ tích lớn
Những dòng sông nhỏ lập nên kỳ tích lớn
Quy hoạch Tổng thể Seoul 2040: Những ví dụ tốt cho Quy hoạch Thủ đô Hà Nội – Bài 3: Những dòng sông nhỏ lập nên kỳ tích lớn.
Tài liệu Quy hoạch sông Hàn chảy qua Seoul của GS Choi Jong-Kwon – Tiến sĩ Luật Hành chính và Luật Quy hoạch và Phát triển Đô thị ((Hàn Quốc) gửi chúng tôi nhấn mạnh việc hồi sinh những dòng sông nhỏ, Hà Nội có thể tham khảo.
Ước vọng lớn từ những dòng sông nhỏ
Khi đề cập tới những kỳ tích của Seoul, Thủ đô Hàn Quốc, nhiều người nói tới Cheongkyecheon – con kênh nhỏ được hồi sinh thành công viên – suối nước trung tâm thành phố, sau hàng chục năm bị cống hóa làm đường và xây đường cao tầng bên trên.
Cheongkyecheon chỉ là con suối nhỏ dài 5,8 km trong 38 dòng suối có tổng chiều dài 159km, nối với 4 sông nhỏ dài 55km rồi chảy ra sông Hàn (đoạn qua Seoul dài 40 km). Tổng số 254km sông suối này đã được làm sạch, nâng cấp cảnh quan liên tục 40 năm (1983-2023). Quy hoạch tổng thể Seoul tới năm 2040 đặt ra mục tiêu tái tạo sông lần 2, trong đó trọng tâm ưu tiên nâng cấp 4 con sông nhỏ. Tầm nhìn của Seoul cho 9,1 triệu cư dân sống trong 21 quận, ai cũng có thể thụ hưởng lợi ích công bằng từ không gian mặt nước cây xanh ven sông. Thành phố trở nên mạnh mẽ nhờ mạch máu sôi động của 254km sông nuôi dưỡng. Sông kết nối cộng đồng đủ sức vượt qua thách thức biến đổi khí hậu, dịch bệnh để trở thành thành phố có tính cạnh tranh cao trong một thế giới biến đổi không ngừng.
Các con sông nhỏ tạo nên biểu tượng các thành phố nổi tiếng: xa như Amsterdam (Hà Lan), Venice (Ý), Tô Châu (Trung Quốc), gần như chương trình hồi sinh hơn 1.000 dòng sông, ngòi lớn nhỏ tại Bangkok (Thái Lan)… cho thấy nhiều cách dẫn sông vào phố.
Dòng sông nhỏ mang lại cảm hứng cho nhiều thành phố
San Antonio là thành phố ở miền Nam Texas, rộng 1.255km2, dân số gần 2 triệu người, nhưng mỗi năm đón 20 triệu lượt khách du lịch. Có lịch sử 300 năm hình thành với nhiều dấu ấn văn hóa Tây Ban Nha – Mexico và người Đức nhập cư: văn hóa, nghệ thuật, quân sự, kiến trúc, khoa học… nhưng nổi tiếng nhất là River Walk – đường ven sông rất hấp dẫn và nối liền các địa chỉ di sản.
Ban đầu dòng sông cấp nước ăn cho thành phố, sau bị lãng quên do người dân đổi sang dùng nước giếng. Những trận lũ lớn gây ngập lụt, nên thành phố kiên cố hóa bờ sông thành con kênh thoát lũ. Từ năm 1938 “Dự án làm đẹp sông” khởi động 4km đầu tiên và liên tục phát triển mở rộng kéo dài không ngừng. Đường đi bộ hai bờ sông dẫn tới các nhà hàng, nhà ở với cảnh quan đẹp thu hút du khách. Nhưng do mật độ hoạt động cao trên bờ và dưới sông, trong khi dòng nước bị bờ kè bó cứng nên không có sinh vật nào sống được… dòng sông ngầu bùn và bốc mùi khó chịu. Sau 20 năm (2011-2021), Thành phố phải kéo dài, kết nối với sông lớn San Pedro mới khai thông dòng chảy, từng bước phục hồi hệ thủy sinh, dẫn đường cho các loài cá bản địa và chim hoang dã quay lại, nạn ô nhiễm nước mới được cải thiện.
Sự thành công của đường ven sông River Walk – San Antonio đã tạo cảm hứng cho nhiều thành phố tại Mỹ và hàng chục thành phố trên khắp thế giới, nhưng cũng cho Hà Nội bài học “hồi sinh các dòng sông” không chỉ chú tâm tới nguồn lợi thương mại từ “phố ven sông” mang lại mà cần nuôi dưỡng dòng sông. Nếu sông không đủ tái tạo sức sống, thì sớm muộn sông cũng chết mà phố bên sông cũng tàn.
Hồi sinh các dòng sông trong Quy hoạch Thủ đô
Cuộc họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội (23/2/2024) đã đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông, xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp. Thành phố sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng.
Nhiệm vụ này đã đặt ra từ năm 2008, với Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy. Năm 2013 phê duyệt “Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải lưu vực sông Nhuệ – Đáy”. Sau 12 năm triển khai Đề án (2008-2020), đã giải ngân 20 nghìn tỷ. Kết quả sông Nhuệ vẫn ô nhiễm nặng, sông Đáy vẫn thiếu nước.
Dự án xử lý nước thải Hà Nội được triển khai từ năm 1998. Trong 25 năm (1998-2023) đầu tư hơn 10 nghìn tỷ xây 5 trạm xử lý nước thải (XLNT) tại Bắc Thăng Long, Hồ Tây, Trúc Bạch, Kim Liên, Bảy Mẫu… Nhiều năm nước vẫn bẩn, cá vẫn chết…
Hà Nội đầu tư tiếp 16 nghìn tỷ xây Nhà máy XLNT Yên Xá, vẫn chưa hoạt động do chưa hoàn thành cống dẫn nước thải về nhà máy. Sông Tô, Nhuệ, Kim Ngưu, Sét, Lừ, Kim Ngưu ô nhiễm, không có sự sống.
Quy hoạch không chỉ đưa ra mục tiêu mà cần có giải pháp, lộ trình
Báo cáo rà soát đánh giá 10 năm thực hiện quy hoạch chung (QHC1259) đã chỉ ra hạn chế của các dự án thoát nước, thu gom và xử lý nước thải Hà Nội theo mô hình tập trung, nay cần kết hợp mô hình bán tập trung, phân tán. Nhưng trong dự thảo Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô không đề cập nội dung này. Không có đánh giá hiện trạng, chỉ ra nguyên nhân bất cập, nên quy hoạch không có phương án khả thi. Không giải quyết ô nhiễm của tất cả các dòng sông thì không thể đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp.
Muốn đảm bảo đủ nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp thì các bản Quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất sản xuất nông nghiệp có hệ thống thủy là bao nhiêu? Có bao nhiêu người sản xuất nông nghiệp? Cần bao nhiêu diện tích đất để thoát lũ và giữ đủ nước dùng trong mùa cạn?
Muốn đảm bảo an ninh nguồn nước cho Hà Nội thì phải xác định rõ tổng khối lượng nước cần thiết. Phương án điều tiết nước an toàn trong mùa bão lũ và khô hạn. Xác định lộ trình, nguồn lực huy động để thực hiện phương án, nhằm chủ động ứng phó với những thách thức biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nguồn nước ngoại biên khó lường? Những câu hỏi đó cần được trả lời trong Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Tại cuộc họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô, lãnh đạo Thành phố cho rằng hồ sơ quy hoạch vẫn còn có những điểm cần được tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, cập nhật để nâng cao hơn nữa về mặt chất lượng. Để khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ này, các bản Quy hoạch cần tham vấn những kết quả nghiên cứu giá trị của các chuyên gia đã công bố.
KTS Trần Huy Ánh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị