Phát triển sản xuất, chế biến nông sản gắn với an toàn thực phẩm

Nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm 2023, Bộ NN&PNNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các chủ trương, định hướng của Trung ương về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới, các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển công nghiệp chế biến gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm.

Công tác chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường đã có nhiều đổi mới cả về tổ chức, quản lý, phương thức triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả khả quan. Qua đó, đã góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến, phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và đã góp phần tích cực giúp ngành Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên thì vẫn còn những vấn đề tồn tại như tỷ trọng sản phẩm sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và tương đương thấp; chưa có nhiều nhãn hiệu, thương hiệu nông sản uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Tổ chức, nguồn lực thực thi công tác quản lý chất lượng, ATTP các cấp thiếu ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu; chưa rõ tổ chức, nhân sự chịu trách nhiệm phổ biến, giám sát, thực thi pháp luật về chất lượng, ATTP tại cấp xã, phường.

2
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường.

Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng CNC để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Kết nối liên vùng, liên ngành ở nhiều địa phương, nhiều ngành hàng còn rời rạc…

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến gắn với chất lượng, đảm bảo an ninh, an toàn thực”.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, tiếp tục của ngành nông nghiệp tới đây là hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và thúc đẩy chế biến, phát triển thị trường. Kiện toàn tổ chức bộ máy; sắp xếp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường. Phổ biến chính sách pháp luật, thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm NLTS, gia tăng chế biến và phát triển thị trường.Triển khai công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến, phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Triển khai chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý chất lượng

3
Bộ NN&PTNT đã chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong những năm qua, toàn Ngành NN&PNNT đã tập trung lực lượng, triển khai chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường NLTS và đã đạt được những kết quả khả quan.

Trong năm 2023, Bộ NN&PTNT đã tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật và chỉ đạo điều hành. Cụ thể, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi đến năm 2030; ban hành 5 Thông tư, 1 Quyết định công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; công bố và cấp số hiệu cho 51 tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm NLTS. Xác định rõ và lồng ghép định hướng đảm bảo chất lượng, ATTP trong các văn bản và chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT triển khai các kế hoạch, đề án, chương trình bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm NLTS. Điển hình có thể kể tới đó là chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả các Đề án như Đề án Đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng NLTS giai đoạn 2021-2030; Đề án Phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030; Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030; Các Đề án thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc;…

Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, địa phương liên quan trong đảm bảo ATTP thực chất, hiệu quả triển khai Chương trình phối hợp số 01/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN ngày 13/10/2021 giữa Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2023; xây dựng và triển khai theo đúng tiến độ Kế hoạch triển khai nhiệm vụ thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023 của Bộ; triển khai các chương trình phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh; Thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia để thực thi hiệu quả Hiệp định về vệ sinh ATTP và kiểm dịch động thực vật của WTO và cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do”.

Bộ NN&PTNT đã chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm NLTS Việt Nam. Chủ động, phối hợp thực hiện rà soát, hệ thống hóa thường xuyên cũng như theo chuyên đề, lĩnh vực các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, đúng tiến độ góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, đã gia tăng số lượng và đa dạng phương thức phổ biến vận động sản xuất kinh doanh NLTS đảm bảo chất lượng, an toàn. Gia tăng số lượng, qui mô sản xuất an toàn, bền vững (GAP, hữu cơ…), chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Với các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đều được duy trì, mở rộng kiểm tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất đã giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo, áp dụng các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm túc các vi phạm.

Mặt khác, đã giải quyết hiệu quả, kịp thời rào cản kỹ thuật an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu, duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu NLTS tại các thị trường truyền thống. Đồng thời giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước.

Những điều này đã góp phần duy trì đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp và đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, đạt 3,83%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 53 tỷ USD.

Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích