Đề xuất chia hành lang sông Sài Gòn làm 4 phân khu phát triển
Đề xuất chia hành lang sông Sài Gòn làm 4 phân khu phát triển
Sông Sài Gòn được đề xuất chia làm 4 phân khu để phát triển dải đô thị hai bên sông, tổ chức các công viên công cộng ven sông đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ ven sông.
Chiều 2/3, tại Hội thảo “Phát triển không gian, chức năng dọc sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Senine”, liên danh tư vấn Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đã đề xuất chia hành lang sông Sài Gòn làm 4 phân khu chính để phát triển.
Theo đó, sông Sài Gòn dài 256km, bắt đầu từ Bình Phước sau đó qua Tây Ninh, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Đoạn sông chảy qua Thành phố Hồ Chí Minh dài khoảng 80km được ví như “dải lụa mềm” uốn lượn trong lòng thành phố tạo ra những bán đảo đẹp như Thanh Đa hay Thủ Thiêm. Tuy nhiên, hiện nhiều khu vực bờ sông bị lấn chiếm, ảnh hưởng lớn đến phát triển đồng bộ toàn tuyến sông.
TS Nguyễn Thu Trà, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết dọc sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP HCM có nhiều vùng lãnh thổ và môi trường khác nhau, nên đòi hỏi điều chỉnh về quy hoạch không gian riêng để khai thác các tiềm năng cũng như bảo tồn giá trị cũ. Do đó, nhóm đề xuất phát triển hành lang sông theo 4 phân khu, dựa trên các lợi thế và đặc trưng riêng.
Phân khu đầu tiên được nghiên cứu theo định hướng kết nối các bản sắc, nằm ở đoạn cuối sông băng qua huyện Củ Chi nối thị xã Bến Cát (Bình Dương). Khu vực này nhiều đoạn còn hoang sơ nên nhóm đề xuất phát triển các công viên tự nhiên nhằm bảo tồn, kết hợp nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan, di sản vùng ngoại ô TP HCM.
Phân khu thứ hai ở phía Đông TP HCM, phần lớn nằm trên ranh giới giữa thành phố và Bình Dương. Theo nhóm nghiên cứu, đoạn này có cảnh quan là vùng ven đô thị, nên có thể hình thành không gian “giao thoa” giữa thành thị và nông thôn. Trong đó, nơi này sẽ phát triển “công viên nông nghiệp” kết hợp giải trí, sinh thái, kích thích du lịch…
Phân khu thứ ba tập trung ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) và vùng phụ cận. Nơi này được đề xuất phát triển đô thị hỗn hợp mật độ cao và công viên nông nghiệp, giải trí ngập nước…
Cuối cùng là đoạn qua trung tâm thành phố, từ ngã ba sông Đồng Nai đến cầu Sài Gòn. Đoạn sông này là lối vào vùng lõi đô thị TP.HCM, qua một số quận huyện lâu đời và đông dân nhất. Do vậy, hành lang sông Sài Gòn nơi đây được hướng đến là khu phức hợp đa chức năng với các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn… thể hiện phát triển của TP.HCM.
Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đề xuất phát triển các hoạt động văn hóa mang tầm thế giới cùng nền tảng thương mại, dịch vụ quy mô lớn, tập trung ở khu vực Tân Thuận (quận 7). “Tuy nhiên, TP.HCM đang gặp một vấn đề lớn là tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, thường ngập nước, sụp lún, nên quá trình nghiên cứu, quy hoạch cần lồng ghép các yếu tố để thích ứng phù hợp”, bà Trà nói.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM đang khẩn trương thực hiện 3 quy hoạch, gồm quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến 2040, tầm nhìn 2060 và xây dựng quy hoạch chung TP Thủ Đức cùng thời kỳ với quy hoạch chung TP.HCM.
Do vậy, việc nghiên cứu để bảo tồn, phát huy giá trị của sông Sài Gòn trong quy hoạch chung TP.HCM và TP Thủ Đức rất có ý nghĩa.
Trong đó, sông Sài Gòn được thành phố xác định là trung tâm và điểm nhấn trong các quy hoạch trên. Do vậy, những ý tưởng, nghiên cứu của các chuyên gia sẽ giúp TP.HCM cập nhật, lựa chọn và đưa vào các quy hoạch trên địa bàn. “Định hướng phát triển hành lang dòng sông sẽ dựa trên nguyên tắc bảo tồn các giá trị tự nhiên, văn hóa và lịch sử nhưng cũng khai thác hợp lý trong quá trình phát triển”, ông Mãi nói.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị