Xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
Theo Bộ KH&CN, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại toàn cầu.
Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nâng lên cả chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết thể chế hóa chủ trương, chỉ đạo mới đối với lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế; đồng thời, thực tiễn thi hành luật thời gian qua cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong FTA thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Ảnh minh hoạ.
Để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế và nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là rất cần thiết.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được sửa đổi với mục đích thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Bảo đảm hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Nâng cao tính khả thi của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, dự án Luật được xây dựng dựa trên việc tiếp thu, nội luật hóa các cam kết quốc tế, bảo đảm sự tương thích giữa quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, đặc biệt là các quy định liên quan đến minh bạch hóa, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi) được xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau:
Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng khung pháp lý nhằm triển khai hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Thứ ba, bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp.
Thứ tư, nội luật hóa quy định tại các cam kết quốc tế của Việt Nam trong FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp theo tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Liên quan tới vấn đề trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, trong năm 2024, Ủy ban sẽ tham gia thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Để chuẩn bị cho việc thẩm tra dự án Luật trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc tên gọi của dự án Luật này là dự án Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi), chứ không nên có tên là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Bởi vì Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành được ban hành từ năm 2006, gồm 71 điều. Nếu là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thì chỉ tập trung về mặt kỹ thuật là chính.
Tuy nhiên, theo sự xem xét sơ lược của Tiểu ban, trong Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban thì Luật này sẽ được sửa đổi 37 điều, bổ sung 08 điều và 06 chính sách mới. Việc sửa đổi về nội dung khá lớn và dự án Luật có liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, cho đến nay, Tiểu ban Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã lên kế hoạch làm việc với cơ quan soạn thảo dự án Luật là Bộ Khoa học và Công nghệ để có sự sửa đổi tên gọi của dự án Luật là dự án Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.
Bảo Lâm