Gia Lai: Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2 tháng đầu năm tăng 28,5%

Tín hiệu lạc quan đầu năm

Theo đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước thực hiện 2 tháng đầu năm 2024 tăng 2,4% so với cùng kỳ; tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 4.797,3 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch và tăng 9% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 26.870 tỷ đồng, đạt 21,85% kế hoạch và tăng 28,5% so với cùng kỳ.

z5097683425669_5e0049e23b5dc8f74ae31db07b5d8763
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Vỹ.

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước thực hiện 2 tháng đầu năm đạt 167 triệu USD, đạt 22,27% kế hoạch, tăng 11,33% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13 triệu USD, đạt 11,3% kế hoạch, tăng 8,33% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới ước đạt 11 triệu USD, tương đương so cùng kỳ.

DSC00606
Chuối là một trong những loại cây trồng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Vỹ.

Trước đó, trong năm 2023 tất cả các chỉ tiêu về công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu của tỉnh Gia Lai đều đạt 100% so với kế hoạch và tăng so với năm 2022.  Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2023 đạt 31.620,6 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 9,45% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 108.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 20,48% so với cùng kỳ.

Trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu đạt 680 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 3,03% cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 141 triệu USD, tăng 28% so kế hoạch, tăng 0,7% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới: đạt 110 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ, chủ yếu nhập khẩu nông sản giảm.

Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước thực hiện năm 2024 đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với thực hiện 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 ước đạt 123.000 tỷ đồng, tăng 13,89% so với thực hiện 2023.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 dự kiến đạt 750 triệu USD, tăng 10,29% so với ước thực hiện năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2024 dự kiến đạt 115 triệu USD.

Khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định trong phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên so với mặt bằng chung của cả nước, kết quả đạt được của tỉnh Gia Lai vẫn còn khiêm tốn.

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực công thương có một số khó khăn, vướng mắc như: ngành công nghiệp chế biến quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế, chưa mang tính đột phá, chưa phát huy tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

DSC07191
Mủ cao su chỉ dừng lại ở sản xuất sản phẩm thô. Ảnh: Minh Vỹ.

Một số sản phẩm có tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, chưa tận dụng được hết nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn để sản xuất, chế biến: tỷ lệ chế biến cà phê bột đạt 23,28%; chế biến tiêu sọ đạt 13,2%, sản lượng còn lại được xuất bán thô; chế biến mủ cao su chỉ dừng lại ở sản xuất sản phẩm thô là cao su Cref, cao su Latex, chưa sản xuất thành phẩm từ cao su.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu, cụm công nghiệp thu hút các dự án đầu tư; tuy nhiên, một số cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế, như: vị trí địa lý không thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật cụm chưa được đầu tư đồng bộ; số dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp còn rất hạn chế… chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

z5206048775641_0a521f653cdadbafc92eeb4c26423fec
Một số nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai chờ phát điện, gây lãng phí nguồn lực. Ảnh: Minh Vỹ.

Việc phát triển năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế do công tác quy hoạch và đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo chịu sự điều chỉnh của rất nhiều văn bản pháp luật thuộc các ngành khác nhau nên trong quá trình thực hiện chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành…

Ngày 29/2, tại TP. Pleiku, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã làm việc với Sở Công Thương Gia Lai. Tại đây, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công Thương kiến nghị, đề xuất với Bộ Công Thương liên quan đến quản lý, phát triển cụm công nghiệp; phát triển và quản lý chợ; vấn đề về năng lượng tái tạo, vấn đề tạm nhập tái xuất kinh doanh xăng dầu…

hứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng làm việc với Sở Công Thương Gia Lai. Ảnh V.T
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng (bên phải) và ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai. Ảnh V.T (GLO). 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ sớm giải quyết, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo đã và đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Những ý kiến, kiến nghị khác sẽ được Bộ Công Thương tổng hợp để làm việc với các bộ, ngành có liên quan nhằm tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời và tham mưu cho Chính phủ, qua đó thúc đẩy hoạt động Công Thương của cả nước phát triển bền vững.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích